Chứng sa sút trí tuệ có thể diễn tiến do đột quỵ, chấn thương não hoặc mắc bệnh Alzheimer. Với sự già hóa dân số, số người mắc chứng sa sút trí tuệ dự báo tăng 40% lên 78 triệu người vào năm 2030 và 139 triệu người vào năm 2050, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết ngày 2.9.
Chỉ có 1 trong 4 quốc gia có chính sách quốc gia để hỗ trợ bệnh nhân sa sút trí tuệ và gia đình của họ, WHO thông tin và hối thúc chính phủ các nước đẩy mạnh giải quyết thách thức sức khỏe cộng đồng này.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Thế giới đang thất bại với những người mắc chứng sa sút trí tuệ và điều đó gây ảnh hưởng tới tất cả chúng ta".
Năm 2015, các bộ trưởng y tế đã nhất trí về một kế hoạch hành động toàn cầu, bao gồm chẩn đoán sớm và cung cấp dịch vụ chăm sóc, nhưng vẫn chưa đạt được các mục tiêu đặt ra cho năm 2025, WHO cảnh báo.
Katrin Seeher, chuyên gia thuộc bộ phận tâm thần của WHO, nhấn mạnh: "Chứng sa sút trí tuệ thực sự là mối quan ngại sức khỏe cộng đồng toàn cầu chứ không chỉ ở các nước có thu nhập cao. Thực tế, hơn 60% người mắc chứng sa sút trí tuệ ở các nước có thu nhập trung bình và thấp".
Báo cáo của WHO chỉ ra, bệnh nhân sa sút trí tuệ ở các quốc gia giàu có dễ tiếp cận thuốc, sản phẩm vệ sinh... hơn so với các quốc gia có thu nhập thấp.
Sa sút trí tuệ ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng định hướng, năng lực học tập, ngôn ngữ, khả năng phán đoán và khả năng thực hiện các công việc hàng ngày.
Chuyên gia Seeher lưu ý, chứng sa sút trí tuệ cũng có thể ảnh hưởng đến những người dưới 65 tuổi, chiếm khoảng 10% tổng số các trường hợp sa sút trí tuệ.
Tuy nhiên, chứng sa sút trí tuệ có thể tránh được khi giảm bớt một số yếu tố nguy cơ, trong đó có kiểm soát tăng huyết áp, tiểu đường, ăn kiêng, trầm cảm cũng như kiểm soát việc sử dụng rượu và thuốc lá, theo WHO.
Chuyên gia Tarun Dua của WHO chia sẻ: "Đây là những điều chúng ta có thể làm để tăng cường sức khỏe não bộ, giảm suy giảm nhận thức và nguy cơ sa sút trí tuệ. Đây là những điều có thể bắt đầu từ độ tuổi trẻ hơn".