Điện toán đám mây giúp cải tiến môi trường kinh doanh
Trong phát biểu của mình, PGS.TS Vũ Minh Khương - Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore - NUS) nhấn mạnh về tầm quan trọng của công cuộc đổi mới và số hóa để giữ vững đà phát triển của các doanh nghiệp. “Áp dụng CNTT sẽ ảnh hưởng đến tất cả các yếu tố bên trong và bên ngoài cũng như ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của thị trường”, TS.Khương cho biết.
Một trong những ứng dụng đang ngày càng phổ biến trong môi trường doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay là ĐTĐM. Theo ông Vũ Minh Trí – Phó tổng giám đốc Cty VNG, ĐTĐM đang có tiềm năng to lớn để phát triển trong xu hướng số hóa công tác quản lí hạ tầng, đơn cử như gắn chip cảm biến dưới mặt đường để đo mật độ giao thông hay việc truyền tín hiệu từ camera giao thông về các trung tâm dữ liệu.v.v… “60% GDP quốc gia dùng để phát triển các hạ tầng, ĐTĐM là hạ tầng CNTT có cơ hội để tiếp cận nguồn ngân sách khổng lồ đó”, ông Trí nói.
Trong khi đó, Alex Smith – Trưởng bộ phận kĩ thuật tại Châu Á - Thái Bình Dương của Microsoft Azure - cho rằng: “ĐTĐM chính là công cụ gỡ bỏ rào cản cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, là phương pháp bình đẳng hóa thị trường”. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, ứng dụng của ĐTĐM trong việc cải tiến môi trường kinh doanh tại Việt Nam là rất đa dạng.
Chuyên gia Wilbur Le đến từ LEAP – một nhà đầu tư lớn về ĐTĐM trong khu vực - nhận định những bài toán về ĐTĐM tại Việt Nam về cơ bản là đơn giản và đã xảy ra ở nhiều quốc gia đi trước. Nếu hợp tác với các đơn vị nhiều năm kinh nghiệm, tốc độ phát triển của ngành ĐTĐM tại Việt Nam sẽ tăng tốc rất nhanh.
Thanh toán trực tuyến sẽ đạt 40 triệu giao dịch/năm
Thanh toán trực tuyến (TTTT) là lĩnh vực phát triển khá sôi động trong khoảng ba năm trở lại đây. Thống kê sơ bộ từ Topica Founder Institute (TFI) cho biết, trong năm 2018 có 8 thương vụ tiếp nhận đầu tư của startup về tài chính (Fintech) tại Việt Nam, với tổng giá trị thỏa thuận là 117 triệu USD, xếp đầu bảng.
Một thông tin khác từ Ngân hàng Nhà nước, trong 3 quí đầu năm 2018, tổng cộng có khoảng 178 triệu giao dịch tài chính trực tuyến tại Việt Nam với tổng giá trị khoảng 11 triệu tỉ đồng. Mức tăng trưởng so với cùng kì năm 2017 đạt 33% về lượng giao dịch và tăng 18% về giá trị giao dịch. Trong đó đáng nói là lượng giao dịch trên các thiết bị di động đạt khoảng 122 triệu lượt, chiếm đến 68,5%.
Tại diễn đàn “Hệ sinh thái Internet Việt Nam 2019”, ông Lê Hồng Minh – CEO của VNG – đưa ra dự đoán, trong 5 năm tới hệ sinh thái TTTT tại Việt Nam có thể đạt hơn 40 triệu giao dịch/năm.
Theo công bố từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2018, 26 đơn vị trung gian thanh toán đã được cấp phép tại Việt Nam, trong đó đa phần ví điện tử như MoMo, ZaloPay, GrabPay by Moca, Viettel Pay, AirPay... Đối với nhiều người, giao dịch chi tiêu thiết yếu hàng ngày hiện phần lớn thanh toán qua ví điện tử.