Với ông Phan Minh Thông, cà phê tốt nhất, chất lượng nhất giờ đây không chỉ xuất khẩu, những hạt cà phê được xuất xưởng khỏi nhà máy Phúc Sinh còn phục vụ những người ghiền cà phê trong nước. Dù xuất khẩu hay tiêu dùng nội địa, hạt cà phê của nhà máy Phúc Sinh vẫn cùng tiêu chuẩn về chất lượng.
Muốn có chất lượng cà phê tốt nhất theo tiêu chuẩn UTZ, không chỉ thực hiện những nguyên tắc trong trồng trọt như không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật quá ngưỡng mà còn phải chú ý công đoạn thu hoạch và sau thu hoạch. Chất lượng cà phê mà người tiêu dùng đang sử dụng cao hay thấp tùy thuộc vào tỷ lệ trái chín, ít nhất là 90%. Đến nay, đã có 897 hộ vùng cà phê Buôn Hồ với diện tích 1.000,6 ha trồng cà phê theo tiêu chuẩn UTZ, sản lượng khoảng 2.748,48 tấn. Chuẩn UTZ là chứng nhận sản phẩm đạt đúng quy trình từ khâu trồng, thu hoạch cho đến thành phẩm. Đó là tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc để người trồng cà phê phải đặt uy tín của mình lên từng tách cà phê.
Đội ngũ nhân viên kỹ thuật của K Coffee đã đến từng nông hộ để giúp nông dân hiểu về quy trình tưới nước tiết kiệm, bón phân hữu cơ, cách sử dụng các hóa chất nông nghiệp, cách thu hái, đóng gói nguyên liệu, vận chuyển…
K Coffee còn đạt bộ tiêu chuẩn toàn cầu của Hiệp hội bán lẻ Anh Quốc (BRC). So với chứng nhận UTZ, bộ tiêu chuẩn BRC quy định rõ các tiêu chí về an toàn thực phẩm, lưu trữ, bao bì, đại lý và môi giới toàn cầu… Đó chính là cách Công ty Phúc Sinh thực hiện sứ mệnh “Người Việt Nam được quyền uống cà phê chuẩn Châu Âu tại quê nhà”.