Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam là một trong các dự án, nhiệm vụ thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2014-2020. Đây là năm thứ 4 liên tiếp Chương trình được tổ chức.
Bên cạnh các hoạt động truyền thông, năm nay chương trình còn tập trung nhiều vào các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp kết nối phát triển sản phẩm, phát triển thị trường nhằm nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam.
Hội nghị đã thu hút hơn 400 doanh nghiệp gồm các Tập đoàn hàng đầu Việt Nam, các tập đoàn đa quốc gia, các công ty phân phối toàn cầu, các doanh nghiệp cung cấp thiết bị, nguyên phụ liệu, thiết bị và đặc sản địa phương tham gia. Hơn 100 doanh nghiệp đến từ mọi miền đất nước đã tổ chức hoạt động triển lãm thông tin về hàng hóa, dịch vụ, nhu cầu cần bán, cần mua để các đối tác tìm hiểu, tiến đến hợp tác lâu dài.
Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp đã thảo luận về phương hướng, nhu cầu, cơ chế hợp tác, kết nối hàng hóa giữa các doanh nghiệp nhằm phát triển thị trường và kết nối phát triển hàng Việt Nam tham gia các chuỗi cung ứng hiện đại.
Cũng tại Hội nghị đã diễn ra các phiên thảo luận về Kết nối doanh nghiệp tạo hệ sinh thái kinh doanh cùng nhau phát triển sản xuất, phân phối hàng Việt Nam có thương hiệu cạnh tranh trong nước và quốc tế; Thúc đẩy liên kết để hỗ trợ đưa đặc sản của địa phương, các sản phẩm của doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào hệ thống phân phối trong nước.
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, thời gian tới, TPHCM và các tỉnh thành dự kiến tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm địa phương.
Cụ thể là tăng cường hợp tác giữa các Sở Công Thương, chia sẻ thông tin, phối hợp thực hiện chương trình Bình ổn thị trường, hỗ trợ đầu tư, liên kết đầu tư, kiểm tra kiểm soát lưu thông hàng hóa giữa các địa phương. Tiếp tục thực hiện các giải pháp kết nối tiêu thụ, định kỳ tổ chức Hội nghị cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM với các tỉnh. Từ nay đến năm 2020, Sở Công Thương TPHCM sẽ tập trung triển khai công tác sơ chế hàng hóa nông sản có nguồn gốc từ các tỉnh thành bạn đang phân phối tại 3 chợ đầu mối, kéo giảm lượng rác thải đưa vào thành phố, đồng thời đảm bảo việc tiến tới truy xuất nguồn gốc hàng hóa sản phẩm, làm cơ sở để xây dựng 3 chợ đầu mối trở thành trung tâm bán buôn, xuất khẩu nông sản thực phẩm.,...