Đồng bộ 92,5% định danh cá nhân người tham gia BHXH
BHXH TPHCM đã phối hợp Công an TPHCM hỗ trợ cấp tài khoản VNeID mức độ 2 cho toàn thể CNVCLĐ thuộc hệ thống BHXH thành phố; Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện mô hình điểm, thí điểm triển khai các thủ tục hành chính tại TPHCM; Phối hợp với Sở LĐTBXH thực hiện thủ tục giải quyết trợ cấp thất nghiệp trên cổng dịch vụ công; Phối hợp với Sở Y tế, hỗ trợ các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) để triển khai có hiệu quả việc liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử qua hạ tầng của BHXH Việt Nam; Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo bổ sung, chia sẻ định danh cá nhân (ĐDCN) hoặc CCCD của các học sinh chưa có ĐDCN/CCCD trong cơ sở dữ liệu do BHXH quản lý trên địa bàn thành phố.
Tính đến giữa tháng 9.2023, BHXH TPHCM đã thực hiện đồng bộ ĐDCN/CCCD của trên 7,2 triệu/gần 7,8 triệu (92,5%) người tham gia, tăng thêm 19% so với đầu năm 2023. Đồng bộ gần 7,01 triệu thẻ CCCD gắn chíp với thẻ BHYT còn hiệu lực để đi khám, chữa bệnh bằng CCCD; số lượng cơ sở KCB đã sử dụng CCCD trong KCB là 385/399; số lượng công dân sử dụng CCCD trong KCB là gần 5,49 triệu người…
BHXH TPHCM cũng thực hiện tốt các thủ tục hành chính thiết yếu như: Liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí; Tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình; Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ngoài ra, tại BHXH TPHCN còn triển khai thực hiện thí điểm tiện ích đặt lịch làm việc với cơ quan BHXH tại bộ phận “một cửa” của BHXH TPHCM. Đây là một trong những tiện ích được ngành BHXH Việt Nam triển khai theo Đề án 06. Tính đến giữa tháng 9.2023, đã nhận gần 59.000 lượt người đặt lịch, trong đó, tiếp đón thành công là 41.120 lượt, từ chối và thất bại là 6.812 lượt.
Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Đề án 06 cũng còn gặp những khó khăn nhất định. Khó khăn lớn nhất là đồng bộ được ĐDCN/CCCD của 7,5% người tham gia còn lại với cơ sở dữ liệu do BHXH đang quản lý. Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu cập nhật, bổ sung số ĐDCN/CCCD và xác thực đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như kịp tiến độ chung của Đề án 06, BHXH TPHCM tiếp tục chỉ đạo, phân rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị, bổ sung điều chỉnh kịp thời các giải pháp thực hiện đối với từng nhóm.
Cụ thể, đối với người tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc và người tham gia BHYT hộ gia đình và BHXH tự nguyện: Đôn đốc đơn vị sử dụng lao động, tổ chức dịch vụ thu lập Mẫu D02-LT, Mẫu D03-TS, D05-TS đối với các trường hợp có chưa có ĐDCN/CCCD gửi đến cơ quan BHXH, thông qua hình thức giao dịch điện tử hoặc dịch vụ bưu chính công ích hoặc trực tiếp tại cơ quan BHXH. Đối với học sinh – sinh viên: Phối hợp với ngành Giáo dục và đào tạo đề nghị rà soát, cung cấp số ĐDCN/CCCD của hơn 75.000 học sinh – sinh viên cho cơ quan BHXH. Đối với người đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng: Trích xuất dữ liệu người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng theo mã thẻ BHYT chưa có hoặc chưa xác thực ĐDCN/CCCD với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phối hợp Bưu điện TPHCM tổ chức thu thập số ĐDCN/CCCD. Đối với trẻ em dưới 6 tuổi chưa có ĐDCN: Xuất dữ liệu trẻ em dưới 6 tuổi chưa có ĐDCN và tiếp tục phối hợp với Phòng Tư pháp rà soát, cấp số ĐDCN và cấp thẻ BHYT đối với các trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi chưa có ĐDCN.