Theo bà Trần Tuyết Minh, năm 2022 kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó có một số kết quả khá ấn tượng, phản ánh rõ nét về những nỗ lực vượt bậc của Bình Phước.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế đạt 8,42%, vượt 7,5% kế hoạch, trong đó kinh tế số chiếm tỷ trọng 5% GRDP; bình quân đầu người đạt 84,6 triệu đồng, tăng 11,3% so với năm 2021.
Xuất khẩu hàng hóa phục hồi mạnh mẽ, đạt 3, 85 tỉ USD, tăng 12,28% so với năm 2021.
Thu hút đầu tư trong nước và phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc. Trong đó, thu hút đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 10.800 tỉ đồng, đạt 108% kế hoạch. Thành lập mới 1.150 doanh nghiệp, tăng 7,9% so với năm 2021.
Bình Phước tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Hiện tỉnh đang đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố về Chuyển đổi số.
Thu ngân sách đạt cao nhất từ trước đến nay với 14.535 tỉ đồng, bằng 119% dự toán Bộ Tài chính giao và tăng 6% so với năm 2021.
Sự phát triển kinh tế của tỉnh Bình Phước trong năm qua gắn với sự phát triển đời sống của nhân dân. Năm qua giảm được 2.000 hộ nghèo. Đời sống của công nhân lao động cũng từng bước được cải thiện, dịp Tết Nguyên đán tỉnh cùng tổ chức công đoàn và doanh nghiệp chăm lo đời sống cho 108.303 đoàn viên, công nhân lao động. Qua đó góp phần ổn định việc làm và sản xuất sau Tết.
Theo bà Trần Tuyết Minh, năm 2023, tỉnh tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, có biện pháp quyết liệt để cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Đặc biệt tập trung phát triển hạ tầng giao thông để tạo lực phát triển kinh tế, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, tiếp tục triển khai đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Chơn Thành. Tỉnh cũng sẽ hoàn tất các thủ tục theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải đối với đường cao tốc Chơn Thành - Đắk Nông.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Phước, trong thời gian tới tỉnh cũng phát triển các dự án nhà ở xã hội cho nhóm lao động ngoại tỉnh, để người lao động có thể an cư lập nghiệp tại Bình Phước.