Ngày 27.5, tin từ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đơn vị vừa tổ chức công bố giải thưởng và trao giải cuộc thi “Ý tưởng thiết kế cầu đi bộ vượt qua Hộ thành Hào nối Thượng thành”.
Cuộc thi “Ý tưởng thiết kế cầu đi bộ vượt qua Hộ Thành Hào nối Thượng thành” diễn ra từ ngày 20.3.2023 đến ngày 20.4.2023 và nhận được 64 phương án từ 59 tác giả/nhóm tác giả, đó là những người yêu thích mỹ thuật và kiến trúc, muốn đóng góp những ý tưởng để góp phần khởi sắc Cố đô trong tương lai.

Trong đó, các tác giả/nhóm tác giả đã trải qua 02 vòng chấm thi để chọn ra những phương án đầy tính sáng tạo, phù hợp với không gian di sản, sử dụng vật liệu phù hợp, ứng dụng công nghệ mới để phát huy tính bảo tồn thích nghi di sản, tạo hệ sinh thái mang tính cộng đồng, đảm bảo tuân thủ Luật Di sản Văn hóa.
Đây là dịp để trao đổi, phân tích và đưa ra ý kiến cho các phương án, từ đó đóng góp ý tưởng xây dựng, nhưng vẫn đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển di sản văn hoá Cố đô Huế.
Hội đồng chấm thi cuộc thi này gồm có 8 giám khảo, tiến hành chấm thi qua 2 vòng để chọn ra những phương án đầy tính sáng tạo, phù hợp với không gian di sản, sử dụng vật liệu phù hợp, ứng dụng công nghệ mới để phát huy tính bảo tồn thích nghi di sản, tạo hệ sinh thái mang tính cộng đồng, đảm bảo tuân thủ Luật Di sản Văn hóa.

Tại buổi công bố giải thưởng cuộc thi này, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho tác giả với phương án thiết kế có mã số dự thi “MA179”; trao giải Nhì cho nhóm tác giả với phương án thiết kế có mã số dự thi “DR911”; trao giải Ba cho phương án thiết kế có mã số dự thi “AA189” và phương án thiết kế có mã số dự thi “PS237”. Ban tổ chức cũng đã trao giải được yêu thích nhất cho tác giả có mã số dự thi “ĐA078”; số tiền giải lần lượt là 30, 20, 10 và 5 triệu đồng.
Một số ý kiến cho rằng việc xây dựng cầu đi bộ vượt qua Hộ Thành Hào, rồi băng qua tường thành của Kinh Thành Huế sẽ vi phạm luật di sản. Về vấn đề này, ông Hoàng Viết Trung lý giải, đây là một cuộc thi ý tưởng để xử lý, ứng xử trước một vấn đề xã hội, còn chuyện thực hiện hay không đều có quy định, có luật định.
"Ban tổ chức sẽ tiến hành sàng lọc những cái hay, cái đẹp, khả thi phù hợp để báo cáo với cấp có thẩm quyền và cấp cuối cùng là UNESCO. Cấp nào công nhận di sản muốn làm gì trong khu vực một di tích thì cần có sự đồng ý của cấp đó", ông Trung nói.