Báo cáo với UBND tỉnh Bình Phước, ông Hướng cho biết: Tổng số tiền thuế nợ đến ngày 30.6.2018, trên địa bàn tỉnh là 1.285 tỷ đồng (tiền thuế 784 tỷ, tiền lãi chậm nộp 501 tỷ đồng). Trong đó, nợ có khả năng thu 223 tỷ đồng, chiếm 17% tổng nợ (tiền thuế 155 tỷ đồng, tiền chậm nộp 68 tỷ đồng). Nợ chờ xử lý là 68 tỷ đồng, chiếm 5% tổng nợ.
Đáng chú ý, số nợ không có khả năng thu là 994 tỷ đồng, chiếm 78% tổng số nợ. Trong đó, tiền thuế là 561 tỷ đồng và tiền chậm nộp là 433 tỷ đồng. Trong đó, nợ do doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh là 844 tỷ đồng; nợ chờ giải thể, phá sản 58 tỷ; nợ mất khả năng thanh toán 21 tỷ đồng; nợ đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế như cưỡng chế hóa đơn, đã đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh... 71 tỷ đồng.
So với thời điểm 31.12.2017, tổng nợ thuế trên toàn tỉnh tăng 11%, số tuyệt đối tăng 125 tỷ đồng. Trong đó, khoản nợ khó thu (không còn tồn tại tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, giải thể, phá sản) đã phát sinh tiền chậm nộp 30 tỷ đồng…Khoản nợ không có khả năng thu ngày càng tăng, do phát sinh tiền chậm nộp theo thời gian (bình quân lãi chậm nộp phát sinh hằng năm khoảng 70 tỷ đồng).
Theo ông Hướng: “Thời hạn để cưỡng chế thu nợ theo Luật Quản lý thuế là sau 90 ngày. Nên các doanh nghiệp đã cố tình chiếm dụng tiền thuế, gây khó khăn cho công tác đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế. Việc cưỡng chế nợ thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản hoặc kê biên tài sản, thường không thu được, do tài khoản của các doanh nghiệp không có số dư. Còn tài sản thì đã thế chấp tại các ngân hàng để vay vốn… Trong khi chế tài xử lý nợ thuế chưa đủ mạnh để răn đe các hành vi cố tình chiếm dụng tiền thuế”.
Hiện Cục thuế tỉnh Bình Phước đã giao nhiệm vụ đôn đốc thu thuế đến từng lãnh đạo Cục thuế, Chi cục thuế và đội trưởng đội thuế, để thu ngay tiền thuế nợ và tiền thuế mới phát sinh vào ngân sách nhà nước. Cơ quan thuế các cấp thực hiện ngay biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải cưỡng chế nợ hoặc phải chuyển sang biện pháp tiếp theo, khi đã thực hiện biện pháp cưỡng chế trước, nhưng chưa thu được và chưa thu đủ tiền thuế nợ.
Đặc biệt, Cục thuế đã đề nghị công khai thông tin đối với các doanh nghiệp nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng (trang web Cục thuế Bình Phước, báo Bình Phước). Ngoài ra, cơ quan thuế thường xuyên kiến nghị Sở Tài nguyên - Môi trường (phòng Tài nguyên - Môi trường), các phòng công chứng... tạm ngưng làm thủ tục chuyển nhượng tài sản của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang nợ thuế (theo danh sách do cơ quan thuế cung cấp).
Mặt khác, ngành thuế cũng thường xuyên tham mưu Ban chỉ đạo chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế cấp tỉnh, cấp huyện, thị; để Ban chỉ đạo chỉ đạo các ban, ngành phối hợp cơ quan thuế trong việc chống thất thu thuế và cưỡng chế nợ thuế.