Đường Vành đai 2 của TPHCM dài hơn 64km (với quy mô từ 6-10 làn xe), hiện đã đầu tư được hơn 54km, bề rộng trung bình 35m. Tuyến đường còn 3 đoạn dài hơn 10km vẫn chưa được đầu tư.
Dù được khởi công từ cuối năm 2015 nhưng đến nay tuyến đường hơn 2,7km (đoạn Phạm Văn Đồng - Gò Dưa) của đường Vành đai 2 vẫn chưa hoàn thành. Theo Công ty CP Văn Phú Bắc Ái - nhà đầu tư dự án đoạn đoạn Phạm Văn Đồng - Gò Dưa, dự án mới chỉ đạt khoảng 60% và đang bị hàng loạt vướng mắc, đặc biệt là công tác GPMB và di dời hạ tầng kỹ thuật.
Cụ thể, hiện diện tích mặt bằng bàn giao cho dự án chỉ đạt 48,6%, trong khi nhiều khu vực mặt bằng đã bàn giao lại không liên thông.
Vì vậy, tại một số vị trí, nhà đầu tư đang phải thực hiện trước các công việc như tháo dỡ hạ tầng trên đất, thực hiện trông coi... còn những khu vực khác, mặt bằng có đến đâu, đơn vị thi công đến đó.
Ông Trần Đức Thắng - Tổng Giám đốc Công ty CP Văn Phú Bắc Ái, cho biết so với hợp đồng ban đầu, hiện tổng mức đầu tư của dự án này đã giảm từ khoảng 2.700 tỉ đồng còn khoảng 2.100 tỉ đồng. Trong đó, chi phí cho GPMB vào khoảng 1.100 tỉ đồng, còn lại là thi công xây lắp.
Với tiến độ hiện nay, nhà đầu tư cho biết đã giải ngân được khoảng 1.300 tỉ đồng và trường hợp đến hết năm 2019, nếu toàn bộ mặt bằng được bàn giao thì phải đến cuối năm 2020 mới có thể hoàn thành.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường - Bí thư Quận ủy quận Thủ Đức, địa phương hiện đang triển khai nhiều phương án, giải quyết các thủ tục và vận động người dân đẩy nhanh việc bàn giao mặt bằng, dự kiến hết năm 2019 sẽ hoàn thành.
Mặc dù TPHCM yêu cầu đến năm 2020 phải khép kín vành đai 2 và triển khai thực hiện một số đoạn của vành đai 3. Tuy nhiên, với tiến độ hiện nay khó đáp ứng kịp và tuyến Vành đai 2 sẽ lùi đến năm 2022.
Theo Sở GTVT TPHCM, ngoài đoạn đường 2,7 km nêu trên, 3 đoạn còn lại để khép kín đường Vành đai 2 hiện đang kêu gọi đầu tư. Trong đó, gian nan nhất là đoạn từ ngã ba An Lập (quận Bình Tân) đến đường Nguyễn Văn Linh (huyện Nhà Bè), chiều dài khoảng 5,3 km. Khu vực này được đánh giá có chi phí GPMB rất lớn nên khó thu hút nhà đầu tư tham gia.
Đối với 2 đoạn còn lại, gồm đoạn từ cầu Phú Hữu (quận 9) đến xa lộ Hà Nội, chiều dài khoảng 3,82 km và đoạn từ khu vực nút giao Bình Thái trên xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức), chiều dài khoảng 2 km, đang được lập báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt phương án bồi thường, GPMB... dự kiến thi công vào năm 2020.