Cho mượn tiền, mất luôn tình bạn

Đức Long |

Lẽ đời, bạn bè cho nhau mượn tiền để giải quyết công việc những lúc khó khăn là bình thường. Nhưng cũng không ít trường hợp, vì cả tin, cho nhau mượn tiền mà không có gì ghi nhận việc cho mượn đó, đã khiến nhiều người không những mất tiền mà còn mất luôn tình bạn.

Tin bạn, phải gánh nợ thay

Hai tháng trước, một khách hàng đến tìm tôi nhờ tư vấn để đòi nợ người bạn. Số tiền tuy không nhiều, nhưng anh rất bức xúc, vì theo anh, tiền nếu mất thì có thể làm ra, nhưng niềm tin mất đi, khiến anh như đổ vỡ tất cả. Anh có một người bạn rất thân thuở học PTTH. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh vào TPHCM sinh sống. Còn người bạn ở quê thì mở cửa hàng buôn bán phụ tùng ô tô, cũng khá giả. Hơn một năm trước, một hôm người bạn ở quê gọi điện thoại cho anh tâm sự làm ăn bị thua lỗ, phải đền bù cho một hợp đồng trị giá 300 triệu đồng. Do đã có 200 triệu đồng, nên người bạn đó muốn mượn 100 triệu để gộp vào trả nợ. Sau nhiều năm tần tảo, anh cũng tích cóp được ít tiền, nhưng lại đang hùn hạp làm ăn, nên không sẵn tiền mặt cho bạn mượn.

May mắn, cơ quan anh lại có quan hệ với một Quỹ tín dụng vi mô đang cho vay tín chấp, mỗi người được vay tối đa 30 triệu đồng và sẽ trả góp hàng tháng, trong vòng 1 năm phải trả hết. Anh mới bàn với người bạn kia sẽ “mượn tên” hai người trong cơ quan anh nữa, tổng cộng vay được 90 triệu đồng và anh bỏ thêm 10 triệu để đủ 100 triệu đồng cho bạn vay. Hàng tháng bạn anh sẽ trả góp theo thông báo của Quỹ tín dụng và sau một năm sẽ trả hết. Nghe thế, người bạn kia đồng ý ngay và cho biết, với điều kiện kinh doanh của anh ta, hàng tháng trả 10 triệu đồng thì không có vấn đề gì. Sau đó, anh đã nhờ hai người cùng cơ quan đứng tên vay tín chấp giùm. Sau khi nhận đủ 100 triệu, anh chuyển vào tài khoản của chị gái ở quê và nhờ rút ra đưa cho bạn. Chị anh sau khi rút tiền từ ngân hàng đem đến giao tận tay cho bạn anh cũng chẳng làm biên nhận gì.

Đến kỳ trả tiền đầu tiên, đúng hẹn, anh bạn chuyển trả tiền vào tài khoản. Đến tháng thứ hai, qua hẹn mấy ngày, chưa thấy bạn chuyển trả tiền, do đến hẹn trả cho Quỹ tín dụng, anh dùng toàn bộ tiền lương để trả cho Quỹ tín dụng vì sợ mang tiếng với hai người bạn đứng tên vay tiền giùm.  Ba ngày sau, người bạn kia mới chuyển trả tiền. Đến tháng thứ ba, cái điệp khúc “quên”, được người bạn kia lặp lại, anh lại phải vay mượn để trả cho Quỹ tín dụng. Nhưng khác với lần trước, lần này người bạn đã không chuyển tiền cho anh nữa.

Đến tháng thứ tư, anh gọi, thì bạn không nghe điện thoại nữa. Điều anh không ngờ nhất đã xảy đến. Một lần, anh mượn điện thoại của người khác gọi cho bạn. Sau khi vòng vo, người bạn kia “tiết lộ”, do mới đầu tư thêm một của hàng bán phụ tùng ô tô, nên kẹt tiền, chưa trả được. Đến lúc này khách hàng của tôi chỉ biết kêu trời, vì hàng tháng phải “cày cuốc” rất vất vả trả nợ cho Quỹ tín dụng, trong khi người bạn vô tư đầu tư thêm cửa hàng để kiếm lợi nhuận.

Không ai học hết chữ ngờ

Câu chuyện thứ hai lại có diễn tiến khác. Hoa và Huệ là hai người bạn chơi khá thân với nhau. Hoa đi làm cho một công ty nước ngoài chuyên phân phối mỹ phẩm tại thị trường Việt Nam. Được hơn một năm, với lý do cần có một ngôi nhà để làm trụ sở công ty, thay vì phải đi thuê mướn, giám đốc công ty kia là người nước ngoài nhờ Hoa đi tìm kiếm, mua một căn nhà giá khoảng 20 tỷ đồng. Hoa nhiệt tình tìm kiếm giúp. Khi tìm được nhà, người nước ngoài kia cũng đi xem và đồng ý mua.

Chủ nhà yêu cầu phải đặt cọc 3 tỉ đồng, sau đó 2 tháng sẽ ra công chứng ký hợp đồng mua bán nhà. Lấy lý do mới chỉ có 2 tỉ đồng, người nước ngoài kia nhờ Hoa vay mượn 1 tỉ đồng thêm vào để đặt cọc, rồi sẽ về nước thu xếp tiền bạc và gửi qua trả ngay để khỏi lỡ việc của công ty. Là nhân viên kinh doanh bình thường, chỉ trông chờ vào tiền lương hàng tháng, Hoa không có tiền cho người nước ngoài kia mượn. Nhưng vì cả nể và nghĩ nếu không mua được ngôi nhà này, sẽ ảnh hưởng đến công việc lâu dài của công ty, nên Hoa nhờ Huệ cho mượn 1 tỉ đồng để đặt cọc mua nhà, khi có tiền từ nước ngoài chuyển về sẽ trả lại ngay.

Vốn chơi thân khá lâu, lại biết Hoa vốn là người đàng hoàng, uy tín, nên Huệ về gom tiền nhà và mượn thêm của anh em cho đủ 1 tỉ đồng sau đó chuyển khoản vào tài khoản của chủ nhà chỉ định và ghi nội dung: chuyển tiền mua nhà số X, đường Y, quận Z. Sự đời, khó ai học hết chữ ngờ. Người nước ngoài kia sau khi về nước, do không thu xếp được tiền bạc, nên đành bỏ không mua ngôi nhà kia nữa. Hoa yêu cầu người đó chuyển 1 tỉ đồng để trả cho Huệ, thì nhận được lời chỉ trích là do Hoa vội vàng nên gây thiệt hại cho công ty.  Đến lúc này Hoa mới “chới với” vì không biết kiếm đâu ra 1 tỉ đồng để trả cho bạn. Còn Huệ thì cũng “như ngồi trên lửa” bởi trong 1 tỉ đồng đó, phần lớn lại là tiền mượn của người nhà.

Điểm chung của hai câu chuyện trên là đều vì tin, quý bạn mà cho vay, mượn tiền mà không có giấy tờ để chứng minh cho sự vay mượn đó. Đối với trường hợp thứ nhất, khả năng đòi lại tiền là khá khó khăn. Để đòi tiền, người cho mượn cần phải nhờ người chị đã giao tiền cho bạn anh làm người làm chứng là đã giao tiền cho bạn  anh. Và khoản tiền người bạn chuyển khoản qua ngân hàng đề trả nợ cho hai tháng đầu tiên là khoản trả góp cho 100 triệu đã mượn. Do đó, cần xem xét kỹ nội dung ghi khi chuyển khoản đó là tiền gì. 

Đối với trường hợp thứ hai, việc Huệ chuyển khoản 1 tỉ đồng vào tài khoản của chủ nhà với nội dung ghi:  “Chuyển tiền mua nhà số X, đường Y, quận Z”. Do nội dung ghi như thế, nên đây không phải là khoản tiền đặt cọc, vì thế, có thể đòi lại được do hợp đồng mua bán nhà không được thực hiện. Tuy nhiên, nếu chủ nhà chứng minh đây là khoản tiền đặt cọc để mua nhà thì khả năng đòi lại tiền là không thể.

Bởi lẽ, điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: 1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. 2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.  
(Ghi theo lời kể của Luật sư Đại Trần)

Đức Long
TIN LIÊN QUAN

Cẩn trọng với lời mời mua đất

LS Nguyễn Thị Thúy Hường |

Đầu tư vào bất động sản là một kênh được nhiều người lựa chọn vì có khả năng mang lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, không phải lúc nào kênh đầu tư này cũng đem lại lợi nhuận như mong muốn, mà trái lại còn khiến cho người đầu tư mất tiền. Có rất nhiều câu chuyện bị mất tiền đặt cọc hay mua đất nền của các dự án với giá cao hơn nhiều so với thực tế được chia sẻ trong thời gian gần đây khi mà người mua bị dẫn dụ bởi những chiêu thức tinh vi. Câu chuyện của anh A dưới đây là một ví dụ.

Trưởng phòng ký quyết định thôi việc, không được hưởng TCTN đúng không?

Nam Dương |

Trong tuần qua, Văn phòng tư vấn pháp luật Báo Lao Động nhận được một số câu hỏi của bạn đọc liên quan đến quyền lợi của NLĐ về chấm dứt đóng BHXH và trợ cấp thất nghiệp (TCTN). Báo Lao Động trích đăng câu hỏi và trả lời.

Đóng bảo hiểm xã hội bao nhiêu năm mới được nghỉ hưu?

Nam Dương |

Bạn đọc có email namphuongx@xxx hỏi: Nữ giám đốc của một công ty TNHH khi đến tuổi nghỉ hưu (55 tuổi), mà tổng thời gian tham gia BHXH được 15 năm, như vậy có đủ điều kiện để hưởng lương hưu không? Nếu muốn tiếp tục tham gia BHXH tiếp tục có được không và thời gian tham gia đóng BHXH tối đa được mấy năm?

Cẩn trọng với lời mời mua đất

LS Nguyễn Thị Thúy Hường |

Đầu tư vào bất động sản là một kênh được nhiều người lựa chọn vì có khả năng mang lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, không phải lúc nào kênh đầu tư này cũng đem lại lợi nhuận như mong muốn, mà trái lại còn khiến cho người đầu tư mất tiền. Có rất nhiều câu chuyện bị mất tiền đặt cọc hay mua đất nền của các dự án với giá cao hơn nhiều so với thực tế được chia sẻ trong thời gian gần đây khi mà người mua bị dẫn dụ bởi những chiêu thức tinh vi. Câu chuyện của anh A dưới đây là một ví dụ.

Trưởng phòng ký quyết định thôi việc, không được hưởng TCTN đúng không?

Nam Dương |

Trong tuần qua, Văn phòng tư vấn pháp luật Báo Lao Động nhận được một số câu hỏi của bạn đọc liên quan đến quyền lợi của NLĐ về chấm dứt đóng BHXH và trợ cấp thất nghiệp (TCTN). Báo Lao Động trích đăng câu hỏi và trả lời.

Đóng bảo hiểm xã hội bao nhiêu năm mới được nghỉ hưu?

Nam Dương |

Bạn đọc có email namphuongx@xxx hỏi: Nữ giám đốc của một công ty TNHH khi đến tuổi nghỉ hưu (55 tuổi), mà tổng thời gian tham gia BHXH được 15 năm, như vậy có đủ điều kiện để hưởng lương hưu không? Nếu muốn tiếp tục tham gia BHXH tiếp tục có được không và thời gian tham gia đóng BHXH tối đa được mấy năm?