Nghỉ thai sản, có phải đóng BHXH?

Nam Dương |

Trong tuần qua, Văn phòng tư vấn pháp luật Báo Lao Động nhận được một số câu hỏi của bạn đọc về quyền lợi liên quan đến chế độ thai sản; cách tính thời gian nghỉ phép, điều kiện để NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Báo Lao Động trích đăng câu hỏi và trả lời.

Nghỉ thai sản, không phải đóng BHXH, BHYT

Bạn đọc có email tranthithuuyenxxx@gmail.com gửi email đến Văn phòng tư vấn pháp luật của Báo Lao Động hỏi: Tôi dự kiến sinh ngày 30.5, và làm hết tháng 4 thì xin nghỉ trước 1 tháng. Tháng 5, tôi và công ty có phải đóng BHXH không? Nếu công ty báo giảm BHXH từ tháng 5 thì tôi và công ty không phải đóng BHXH cho đến tháng 11.2018 (6 tháng) đúng không? Trong thời gian đó, tôi vẫn được hưởng BHYT như bình thường đúng không?

Văn phòng tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 34 Luật BHXH  2014 quy định thời gian hưởng chế độ khi sinh con như sau: Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng.

Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng. Khoản 2, Điều 39 Luật BHXH 2014 quy định: Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng BHXH, NLĐ và NSDLĐ không phải đóng BHXH. Theo quy định tại khoản 1.6, điều 42, Quyết định 595/2017/QĐ-BHXH thì NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và NLĐ không phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN và được cơ quan BHXH đóng BHYT cho NLĐ. Do đó, nếu bạn nghỉ thai sản bắt đầu từ tháng 5, thì từ tháng 5 đến tháng 10.2018 (6 tháng) bạn và công ty của bạn không phải đóng BHXH. Bạn vẫn được hưởng BHYT bình thường vì thời gian này cơ quan BHXH sẽ đóng BHYT cho bạn.

Làm hơn 40 năm, được nghỉ bao nhiêu ngày phép?

Bạn đọc có email hoangliensonxxx@gmail.com gửi email đến Văn phòng tư vấn pháp luật của Báo Lao Động hỏi:  Tôi công tác đến nay được 40 năm 5 tháng, vì điều kiện cơ quan công việc nhiều nên năm 2017 tôi chưa nghỉ phép được. Năm nay tôi có việc xin nghỉ phép năm 2017. Tôi được nghỉ bao nhiêu ngày?

Văn phòng tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 111 BLLĐ 2012 quy định về ngày nghỉ hằng năm như sau: 1. NLĐ có đủ 12 tháng làm việc cho một NSDLĐ thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo HĐLĐ như sau: a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường; b) 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ LĐTB&XH chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật; c) 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ LĐTB&XH chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành. Điều 112 BLLĐ 2012 quy định: Cứ 5 năm làm việc cho một NSDLĐ thì số ngày nghỉ hằng năm của NLĐ theo quy định tại khoản 1 Điều 111 của Bộ luật này được tăng thêm tương ứng 1 ngày.

Do bạn không nói rõ có làm việc trong môi trường bình thường hay nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và thời gian  40 năm đó là có phải làm cho một NSDLĐ hay không, nên chúng tôi giả sử bạn đã làm cho một NSDLĐ. Nếu đúng thế, số ngày nghỉ phép tăng thêm của bạn là được 8 ngày. Căn cứ vào quy định tại điều 111 BLLĐ và điều kiện làm việc, bạn có thể tính được số ngày nghỉ phép của mình.

HĐLĐ không xác định thời hạn, có bị cho nghỉ việc?

Bạn đọc có email phamvansonxxx@gmail.com gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Tôi năm nay 41 tuổi và làm việc tại cơ quan nhà nước đến nay là 16 năm, HĐLĐ không xác định thời hạn. Cơ quan tôi chuyển sang tự chủ kinh tế, rà soát cắt giảm nhân sự và yêu cầu tôi viết đơn xin chấm dứt HĐLĐ. Nếu tôi không viết đơn thì công ty có được chấm dứt HĐLĐ với tôi sau 45 ngày báo trước không?  Quyền lợi của tôi sau khi nghỉ việc được tính như thế nào ạ?

Văn phòng tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 38 BLLĐ 2012 quy định:  1. NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong những trường hợp sau đây: a) NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ; b) NLĐ bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo HĐLĐ không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với NLĐ làm theo HĐLĐ xác định thời hạn và quá nửa thời hạn HĐLĐ đối với người làm theo HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khỏe của NLĐ bình phục, thì NLĐ được xem xét để tiếp tục giao kết HĐLĐ; c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc; d) NLĐ không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này. 2. Khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ NSDLĐ phải báo cho NLĐ biết trước: a) Ít nhất 45 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn; b) Ít nhất 30 ngày đối với HĐLĐ xác định thời hạn; c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Do đó, công ty của bạn có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với bạn nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm c, khoản 1 điều này.

Khi chấm dứt HĐLĐ như vậy, Cty phải báo trước cho bạn 45 ngày. Bạn có thể đi đăng ký thất nghiệp để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ngoài ra, Cty còn phải trả trợ cấp mất việc cho bạn theo quy định tại điều 49 BLLĐ, mỗi năm làm việc trả 1 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 2 tháng tiền lương.  2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia BHTN và thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc. 3. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo HĐLĐ của 6 tháng liền kề trước khi NLĐ mất việc làm.  

Nam Dương
TIN LIÊN QUAN

NLĐ tự tử, thân nhân có được hưởng trợ cấp tuất?

Nam Dương |

NLĐ hết thời hạn nghỉ bệnh theo chỉ định vẫn không đến công ty thì phải xử lý sao? Thời điểm bắt đầu tính ngày nghỉ phép từ khi nào? NLĐ đang đóng BHXH mà tự tử, thì thân nhân có được hưởng trợ cấp tuất không? Trên đây là một số câu hỏi chính Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động nhận được tuần qua. Báo Lao Động trích đăng câu hỏi và trả lời.

Mất bạn vì làm ăn chung

LS Nguyễn Thị Thúy Hường |

Trong cuộc sống, những người bạn thân cùng hùn hạp làm ăn là bình thường. Có nhiều tình bạn ngày càng thân thiết từ quan hệ làm ăn, nhưng cũng không ít trường hợp tình bạn bị sứt mẻ vì liên quan đến chuyện lời lỗ trong kinh doanh. Câu chuyện của anh T và anh H sau đây là một ví dụ.

Tính ngày nghỉ phép thế nào?

Nam Dương |

Bạn đọc có số điện thoại 01662625xxx gọi đến VP Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Tôi làm đến hết tháng 4.2018 và đã nghỉ 4,5 ngày phép. Khi tôi xin nghỉ thì có sự đồng ý của công ty. Bây giờ công ty trừ tiền chuyên cần của tôi 0,5 ngày phép đó.

Công ty làm vậy có đúng không? 

NLĐ tự tử, thân nhân có được hưởng trợ cấp tuất?

Nam Dương |

NLĐ hết thời hạn nghỉ bệnh theo chỉ định vẫn không đến công ty thì phải xử lý sao? Thời điểm bắt đầu tính ngày nghỉ phép từ khi nào? NLĐ đang đóng BHXH mà tự tử, thì thân nhân có được hưởng trợ cấp tuất không? Trên đây là một số câu hỏi chính Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động nhận được tuần qua. Báo Lao Động trích đăng câu hỏi và trả lời.

Mất bạn vì làm ăn chung

LS Nguyễn Thị Thúy Hường |

Trong cuộc sống, những người bạn thân cùng hùn hạp làm ăn là bình thường. Có nhiều tình bạn ngày càng thân thiết từ quan hệ làm ăn, nhưng cũng không ít trường hợp tình bạn bị sứt mẻ vì liên quan đến chuyện lời lỗ trong kinh doanh. Câu chuyện của anh T và anh H sau đây là một ví dụ.

Tính ngày nghỉ phép thế nào?

Nam Dương |

Bạn đọc có số điện thoại 01662625xxx gọi đến VP Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Tôi làm đến hết tháng 4.2018 và đã nghỉ 4,5 ngày phép. Khi tôi xin nghỉ thì có sự đồng ý của công ty. Bây giờ công ty trừ tiền chuyên cần của tôi 0,5 ngày phép đó.

Công ty làm vậy có đúng không?