Rủi ro khi nhận cầm cố sổ BHXH mùa World Cup

Đức Long |

World Cup đã qua được vòng 1/16 với nhiều cảm xúc của những người hâm mộ. Bên cạnh những niềm vui vì được thưởng thức “đại tiệc túc cầu” 4 năm mới có một lần, là phảng phất những nỗi buồn do tình trạng cá độ. Nhiều người, vì máu mê đỏ đen, đã như con thiêu thân lao vào các canh bạc qua các trận đấu. Họ sẵn sàng cầm cố mọi thứ từ xe cộ, giấy tờ có giá như sổ đỏ, sổ hồng, thậm chí cả sổ BHXH để lấy tiền phục vụ cho nhu cầu cá độ của mình.

Từ bán hàng chuyển qua cầm cố tài sản

Giọng đầy lo lắng, một bạn đọc có số điện thoại 01276324XXX gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động hỏi: “Tôi nhận cầm sổ BHXH của một công nhân có gần 10 năm đóng BHXH cho họ vay 15 triệu đồng. Khi đưa sổ, người này nói đang cần tiền gấp nài nỉ tôi cho vay tiền để đi chữa bệnh cho con. Tôi cũng băn khoăn, có yêu cầu họ viết cam kết là chưa nhận tiền BHXH và uỷ quyền cho tôi đi nhận thay để bảo đảm cho số tiền cho vay. Mới đây, tôi mới hay người đó không phải cần tiền đi chữa bệnh cho con mà để đi cá độ bóng đá. Do thua nhiều, người này đã bỏ việc khỏi nhà máy. Bây giờ tôi có thể nhận tiền BHXH để thu hồi lại khoản tiền đã cho họ vay?”. 

Tôi gặng hỏi mãi, chị này mới thừa nhận không phải là người cầm đồ chuyên nghiệp mà là người bán hàng ở một nơi có nhiều công nhân ở trọ. Lúc đầu, để thu hút người mua hàng, chị cũng đôi khi cho công nhân mua hàng thiếu chịu khi chưa đến kỳ lương. Rồi nhiều người cần tiền đóng học, chữa bệnh cho con, hay gửi tiền về quê cho gia đình mượn chị có trả thêm chút tiền lãi. Thấy có vẻ nhàn hạ, lại không phải lo đi lấy hàng, bán hàng, tính toán để sao cho hàng không hư không tồn đọng, chị dần xem việc cho vay  tiền lấy lãi quan trọng hơn bán hàng. Để bảo đảm cho đồng tiền bỏ ra không bị mất, chị yêu cầu họ thế chấp giấy tờ như chứng minh nhân dân, thẻ ATM công ty cấp cho công nhân.

Gần đây, khi nhiều doanh nghiệp trả sổ BHXH cho NLĐ giữ theo quy định của pháp luật, chị có thêm vật cầm cố là sổ BHXH. Sống lâu với công nhân, chị ít nhiều hiểu được số tiền BHXH một lần nhận được của công nhân phụ thuộc vào số năm và tiền lương đóng BHXH. Bằng kinh nghiệm đó, chị cho vay tiền nhiều hay ít tùy theo số năm đóng BHXH ghi trên sổ. Hầu hết, những người vay đều trả lại tiền gốc và lãi theo thoả thuận đúng hạn, nên chị khá yên tâm. Nhưng cho đến mua World Cup thì số người cầm sổ BHXH tăng lên. Chị cũng lờ mờ đoán được nhiều người trong số họ vay tiền để cá độ bóng đá và có chút băn khoăn. Nhưng khoản tiền lãi có được một cách nhàn hạ thôi thúc chị yên tâm cho vay cho đến lúc xảy ra tình huống như đoạn đầu bài đã nêu.

Nhiều rủi ro

Luật sư Trần Phi Đại, Đoàn Luật sư TPHCM phân tích: Nguyên tắc của BHXH là có đóng, có hưởng và cơ quan BHXH chỉ trả các chế độ BHXH cho người đã đóng khi đủ điều kiện. Theo quy định của pháp luật hiện hành, NLĐ đóng BHXH dưới 20 năm mà muốn nhận BHXH một lần phải sau một năm nghỉ việc mới có quyền làm thủ tục để nhận BHXH một lần. Nếu NLĐ vì lý do nào đó không trực tiếp đi nhận BHXH một lần thì có quyền uỷ quyền cho người khác đi nhận thay mình theo quy định tại khoản 1, điều 138 BLDS 2015: “Cá nhân, pháp nhân có thể uỷ quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”. Thực tế, một số trường hợp khi cho vay tiền mà cầm cố các giấy tờ có giá thì người cho vay thường yêu cầu người vay lập giấy uỷ quyền cho mình được nhận giá trị của các giấy tờ đó và xem như đã “cầm đằng chuôi”.

Tuy nhiên, luật sư Đại phân tích, việc người cho vay tiền làm như thế cũng có nhiều rủi ro. Thứ nhất, việc uỷ quyền có hai hình thức là làm giấy uỷ quyền và hợp đồng uỷ quyền. Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Hợp đồng uỷ quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền, bên uỷ quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định”. 

Nếu chỉ lập giấy uỷ quyền thì người uỷ quyền có thể rút việc uỷ quyền của mình cho người được uỷ quyền bất cứ lúc nào. Còn lập hợp đồng uỷ quyền, nếu có ghi rõ, hợp đồng này không được huỷ ngang cho đến khi thực hiện xong công việc theo nội dung uỷ quyền, thì người uỷ quyền mới không “bẻ kèo” được.  Ngay cả khi giữa hai bên đã lập hợp đồng uỷ quyền không được huỷ ngang, thì người cầm cố sổ BHXH vẫn có khả năng gặp rủi ro. Đó là trường hợp người có sổ BHXH bị chết bất ngờ.

Theo quy định tại 3 điều 422 Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng sẽ chấm dứt khi “cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện”. Do đó, nếu người có sổ BHXH đem cầm cố mà chết bất ngờ, mặc dù có giấy uỷ quyền hay hợp đồng uỷ quyền, thì giấy uỷ quyền hay hợp đồng uỷ quyền đó mặc nhiên hết hiệu lực.

Và như vậy, người cầm cố giấy tờ sẽ bị rủi ro. Khi NLĐ đang đóng BHXH mà chết, thì tuỳ theo số năm đóng BHXH của họ mà thân nhân được hưởng trợ cấp hàng tháng hay trợ cấp một lần và được trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở. Còn người cầm cố sổ BHXH, nếu muốn đòi quyền lợi của mình thì lại phải thông báo cho thân nhân của người chết để họ trả tiền, hay kiện ra toà để những người hưởng thừa kế của người chết thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại theo điều 615 Bộ luật dân sự 2015.

Theo đó: “1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác. 2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thoả thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại. 3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác. 4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân”.  

Đức Long
TIN LIÊN QUAN

Đóng thêm BHXH tự nguyện bao nhiêu để hưởng lương hưu?

Nam Dương |

Công ty không bố trí được việc, NLĐ hưởng lương thế nào? Phải đóng thêm BHXH tự nguyện bao nhiêu tiền để được hưởng lương hưu hàng tháng? Công ty yêu cầu phải cam kết “làm việc đàng hoàng” trong thời gian chờ nghỉ việc có đúng? Trên đây là một số câu hỏi chính, Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động đã nhận được tuần qua. Báo Lao Động trích đăng câu hỏi và trả lời.

Không muốn “bắt vạ” NLĐ, nhưng phải làm

Đức Long |

“Tôi có HĐLĐ không xác định thời hạn. Tôi làm đơn xin nghỉ việc và nghỉ ngay, không chờ đủ ngày báo trước. Nay tôi đi làm chỗ khác, công ty mới yêu cầu tôi phải nộp sổ BHXH để tham gia BHXH. Tôi quay lại công ty cũ để nhận sổ BHXH thì công ty cũ yêu cầu tôi phải bồi thường hai tháng tiền lương rồi mới trả sổ BHXH. Công ty làm như vậy đúng không?”.

Cho mượn tiền, mất luôn tình bạn

Đức Long |

Lẽ đời, bạn bè cho nhau mượn tiền để giải quyết công việc những lúc khó khăn là bình thường. Nhưng cũng không ít trường hợp, vì cả tin, cho nhau mượn tiền mà không có gì ghi nhận việc cho mượn đó, đã khiến nhiều người không những mất tiền mà còn mất luôn tình bạn.

Đóng thêm BHXH tự nguyện bao nhiêu để hưởng lương hưu?

Nam Dương |

Công ty không bố trí được việc, NLĐ hưởng lương thế nào? Phải đóng thêm BHXH tự nguyện bao nhiêu tiền để được hưởng lương hưu hàng tháng? Công ty yêu cầu phải cam kết “làm việc đàng hoàng” trong thời gian chờ nghỉ việc có đúng? Trên đây là một số câu hỏi chính, Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động đã nhận được tuần qua. Báo Lao Động trích đăng câu hỏi và trả lời.

Không muốn “bắt vạ” NLĐ, nhưng phải làm

Đức Long |

“Tôi có HĐLĐ không xác định thời hạn. Tôi làm đơn xin nghỉ việc và nghỉ ngay, không chờ đủ ngày báo trước. Nay tôi đi làm chỗ khác, công ty mới yêu cầu tôi phải nộp sổ BHXH để tham gia BHXH. Tôi quay lại công ty cũ để nhận sổ BHXH thì công ty cũ yêu cầu tôi phải bồi thường hai tháng tiền lương rồi mới trả sổ BHXH. Công ty làm như vậy đúng không?”.

Cho mượn tiền, mất luôn tình bạn

Đức Long |

Lẽ đời, bạn bè cho nhau mượn tiền để giải quyết công việc những lúc khó khăn là bình thường. Nhưng cũng không ít trường hợp, vì cả tin, cho nhau mượn tiền mà không có gì ghi nhận việc cho mượn đó, đã khiến nhiều người không những mất tiền mà còn mất luôn tình bạn.