Phiên Giao dịch việc làm trực tuyến thu hút sự tham gia của 104 đơn vị có nhu cầu tuyển dụng 13.637 chỉ tiêu.
Trong đó, TP Hà Nội có 30 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng 1.006 chỉ tiêu; Thái Nguyên có 16 doanh nghiệp mong muốn tuyển 2.638 chỉ tiêu; Bắc Giang có 13 doanh nghiệp tuyển 3.164 chỉ tiêu; Bắc Ninh có 8 doanh nghiệp tuyển 646 chỉ tiêu; Hòa Bình 12 doanh nghiệp tuyển 3.648 chỉ tiêu; Ninh Bình 10 doanh nghiệp tuyển 2.401 chỉ tiêu; Lào Cai có 15 doanh nghiệp tuyển 134 chỉ tiêu.
Các doanh nghiệp tại 7 tỉnh, TP có nhu cầu tuyển nhiều chỉ tiêu ở ngành nghề: Công nhân sản xuất điện tử, may mặc, công nhân sản xuất nhựa, kinh doanh – marketing, công nhân xây dựng, cơ khí – hàn, thợ vận hành máy, bán hàng – thu ngân, kế hoạch sản xuất, công nhân vệ sinh, kiểm toán – kế toán, nhân viên mua hàng, phiên dịch - biên dịch, văn phòng – nhân sự…
Khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, 30 doanh nghiệp tham gia Phiên giao dịch việc làm trực tuyến tại Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội có nhu cầu tuyển 1.006 chỉ tiêu.
Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng người lao động trình độ cao đẳng – đại học là 485 chỉ tiêu, chiếm tỉ lệ cao nhất 48,2%. Tiếp đến, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 315 người lao động phổ thông, chiếm 31,4% và 206 người lao động có trình độ trung cấp, chiếm 20,4%.
Mức thu nhập từ trên 10 triệu đồng trở lên/tháng có 185 chỉ tiêu, chiếm 18,3% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng. Đây là mức thu nhập của những chỉ tiêu tuyển dụng chất lượng cao vào các vị trí kinh doanh, quản lý, giám sát, trưởng – phó phòng dành cho người lao động có kinh nghiệm và chuyên nôn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc cao.
Mức thu nhập từ trên 7 triệu đồng – 10 triệu đồng/tháng có 424 chỉ tiêu, chiếm tỷ lệ cao nhất 42,1%, của các vị trí việc làm ổn định: Kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề.
Mức thu nhập từ trên 5 triệu đồng – 7 triệu đồng/tháng có 286 chỉ tiêu, chiếm 28,4%, dành cho người lao động chưa có tay nghề, sinh viên mới ra trường hoặc các công việc thời vụ, partime.
111 chỉ tiêu có mức thu nhập thỏa thuận giữa DN và người lao động trong quá trình phỏng vấn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của người lao động.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, ngoài việc chọn thời gian tổ chức phiên online, các trung tâm dịch vụ việc làm 7 tỉnh, TP đã có sự trao đổi, liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp và người lao động.
Theo đó, doanh nghiệp có nhiều nguồn tuyển dụng, người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, từ nguồn thông tin chính thống.
Có thể, hôm nay người lao động nào đó chưa tiếp cận được với doanh nghiệp tuyển dụng thì vài hôm tới họ trao đổi và trả lời phỏng vấn doanh nghiệp thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội hoặc qua trực tiếp công ty tuyển dụng.