“Đổi mới sáng tạo để kiến tạo tương lai”

Nhật Nguyên |

Ngày 12.6, Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học UNESCO (Viện Toán học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF), Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (VINBIGDATA) sẽ đồng tổ chức chương trình Ngày Khoa học - Công nghệ với chủ đề “Đổi mới sáng tạo để kiến tạo tương lai”. Chương trình sẽ mang tới các góc nhìn chuyên gia xung quanh tiềm năng ứng dụng của khoa học – công nghệ vào nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống.

Chương trình sẽ diễn ra từ 9h00 đến 17h00 cùng ngày, tại Hội trường Hoàng Tụy, Viện Toán học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đặc biệt, chương trình được phát trực tuyến trên Fanpage của VINIF, Viện Toán học và một số kênh trực tuyến khác.

Chương trình có sự tham dự của nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, GS. Ngô Bảo Châu và GS. Vũ Hà Văn, PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương. Đáng chú ý, chương trình đem đến cho những người tham dự 6 bài giảng của 6 nhà khoa học uy tín: PGS.TS. Trần Trọng Dương, PGS.TS. Nguyễn Thế Toàn, TS.BS. Phạm Quang Thái, TS. Võ Sỹ Nam, PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh, PGS.TS. Hồ Đăng Phúc.

Trong buổi sáng, mở đầu chuỗi bài giảng là bài giảng “Từ khảo cổ đến công nghệ thực tế ảo: Trường hợp Chùa Một Cột thời Lý năm 1105” của PGS. TS. Trần Trọng Dương.

PGS.TS. Trần Trọng Dương là Trưởng phòng nghiên cứu Minh Văn – Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Giảng viên sau ĐH của Học viện Khoa học xã hội (GASS, VASS), Leader- Co Founder của SEN Heritage. Ông là một nhà nghiên cứu về nhân văn, với các lĩnh vực chuyên môn hẹp như Hán học, văn tự học chữ Nôm, lịch sử kiến trúc, biểu tượng Phật giáo, lịch sử mĩ thuật, lịch sử cổ trung đại Việt Nam. Bên cạnh đó, ông còn là thành viên cộng tác của Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm (USA).

PGS.TS. Trần Trọng Dương sẽ đưa đến cho chúng ta nhiều góc nhìn thú vị dành cho cộng đồng yêu công nghệ và lịch sử. Bài giảng nhắc đến những vấn đề cụ thể trong quá trình nghiên cứu, phỏng dựng kiến trúc một cột chùa Diên Hựu thời Lý. Bắt đầu bằng cứ liệu bi ký năm 1121, đến việc lắp ghép hàng ngàn mảnh vụn khảo cổ học, để đưa ra giả thuyết khoa học. Tiếp đến, bài nói chuyện sẽ trình bày lý thuyết mandala, các thao tác trong nghiên cứu, và phỏng dựng kiến trúc một cột thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo.

PGS.TS. Nguyễn Thế Toàn và bài giảng “Một số bài toán hình học và giản đồ cây trong virus”.

Trong bài giảng này, chúng ta sẽ tìm hiểu một số đặc tính thú vị về cấu trúc và hoạt động của virus từ các xem xét vật lý và hình học đơn giản. Người theo dõi bài giảng còn được học về cấu trúc đa diện đều của vỏ virus, cách phân loại Caspar-Klug, về độ cứng đáng ngạc nhiên của vỏ virus, về cách đóng gói ADN và ARN trong virus. Ngoài ra, diễn giả sẽ mở rộng thêm một số bài toán tương tác vật lý thú vị và không trực quan trong các virus như HIV, COVID-19, chẳng hạn như sự hút nhau của các điện tích cùng dấu, hiện tượng đảo dấu điện tích, quá trình làm ướt bề mặt. Tất cả đều có thể hiểu được bằng các kiến thức vật lý và hình học ở cấp phổ thông.

PGS.TS. Nguyễn Thế Toàn là Trưởng Khoa Vật lý, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Khoa học tính toán đa tỉ lệ cho các Hệ phức hợp - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông đã có công bố khoa học trên các tạp chí hàng đầu như Nature Materials, Review of Modern Physics, và nhiều tạp chí đầu ngành Q1 khác, với hơn 3000 trích dẫn.

TS. BS. Phạm Quang Thái và bài giảng “Công nghệ sản xuất vắc xin COVID-19 - Bối cảnh Việt Nam – Thế giới trong sản xuất vắc xin và những điều cần lưu ý khi tiêm vắc xin COVID–19 tại Việt Nam”.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, miễn dịch cộng đồng với COVID-19 chỉ có thể đạt được khi 70% dân số được tiêm chủng vắc xin. Do đó, hiện nay các quốc gia đều đang nỗ lực hết công suất trong cuộc đua này. Hàng trăm loại vắc xin đã được tạo ra bằng nhiều công nghệ khác nhau, tuy nhiên, chỉ số ít trong đó đạt được thành công.

Như vậy, làm thế nào để đảm bảo tối đa tính an toàn trong sản xuất và tiêm chủng vắc xin COVID-19? Từ những bài học của Thế giới, Việt Nam có thể rút ra kinh nghiệm gì? Bài giảng đại chúng của TS.BS. Phạm Quang Thái sẽ cùng chúng ta đi tìm câu trả lời.

TS.BS. Phạm Quang Thái hiện đang là Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm- Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó trưởng Bộ môn Thống kê, Tin học Y học – Trường Đại học Y Hà Nội, đồng thời đảm nhiệm vị trí Tổ phó Tổ Thông tin đáp ứng nhanh, trực thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Trong buổi chiều, TS. Võ Sỹ Nam sẽ tiếp nối chương trình với bài giảng “Giải mã gen Việt trong kỷ nguyên Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo”.

Kể từ khi dự án giải mã hệ gen người đầu tiên trên thế giới hoàn tất vào năm 2003, đã có rất nhiều dự án quy mô lớn tiếp theo được thực hiện. Trong số đó có thể kể đến dự án giải mã hệ gen của hơn 2,500 người từ 5 châu lục hay dự án giải mã hệ gen của hơn 11,000 bệnh nhân với 33 loại ung thư khác nhau. Các dự án này đã góp phần cách mạng hóa hiểu biết của loài người về hệ gen cũng như cải thiện việc chẩn đoán và điều trị bệnh trên người.

Vậy trong một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, các dự án giải mã gen sẽ được hưởng lợi gì từ những tiến bộ của công nghệ?

Đi tìm lời đáp cho câu hỏi kể trên, bài giảng đại chúng “Giải mã gen Việt trong kỷ nguyên Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo”, được trình bày bởi TS. Võ Sỹ Nam sẽ mang tới những góc nhìn thú vị xung quanh câu chuyện giải mã hệ gen người Việt.

TS. Võ Sỹ Nam hiện là Chuyên gia Nghiên cứu Tin sinh học, Trưởng phòng Tin Y sinh Ứng dụng, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn Vingroup Big Data Institute (VinBigdata). Anh cùng cộng sự phụ trách nghiên cứu và phát triển các hệ thống phân tích và chú giải dữ liệu y sinh học quy mô lớn, cũng như các mô hình dự đoán nguy cơ bệnh, tác dụng phụ của thuốc, hướng tới xây dựng những giải pháp hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh. TS. Nam đã có hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực Tin sinh học tại các lab nghiên cứu lớn ở Mỹ trước khi gia nhập VinBigdata. Anh đã công bố nghiên cứu trên nhiều tạp chí và hội nghị khoa học uy tín trong đó có Immunity (Cell), Cell Reports, Human Genome Variation (Nature).

PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh và bài giảng “Linked Data cho dữ liệu mở trong nông nghiệp nông thôn”.

Dữ liệu Liên kết (Linked Data) là một trong những khái niệm và trụ cột chính của Web Ngữ nghĩa (Semantic Web), còn được biết tới như là Web của Dữ liệu. Sự ra đời của hai khái niệm này đã giúp cho việc chia sẻ dữ liệu trên Web có thể được thực hiện một cách dễ dàng hơn, đồng thời tạo điều kiện tối đa cho quá trình khai thác thông tin theo nhu cầu của mỗi người dùng.

Vậy cụ thể, cần hiểu như thế nào về Web Ngữ nghĩa và Dữ liệu Liên kết? Tiềm năng ứng dụng của nó đến đâu trong thực tế đời sống?

PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh sẽ giới thiệu về các khái niệm cơ bản của Web Ngữ nghĩa, cũng như công nghệ mới Linked Data trong ngữ cảnh liên tác và tạo ngữ nghĩa cho một thế hệ ứng dụng thông minh và phát triển Web thành một không gian dữ liệu toàn cầu. Đồng thời, với kinh nghiệm giải quyết các bài toán thực tiễn, Diễn giả cũng sẽ nêu ra một số thách thức và các vấn đề nghiên cứu liên quan.

PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh là Giám đốc Trung tâm Đào tạo Quốc tế, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), đồng thời đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học của Hợp tác xã Nông nghiệp Số. Ông đã xuất bản nhiều công trình trên các tạp chí peer-review quốc gia và quốc tế, tích cực tham gia các hoạt động tổ chức hội thảo và hội nghị quốc tế AI Việt Nam.

PGS.TS. Hồ Đăng Phúc và bài giảng “Thống kê - Chiếc cầu kết nối Toán học với các Khoa học thực nghiệm”.

Có thể nói, sự trừu tượng đã đem lại cho toán học vẻ đẹp và ý nghĩa đặc biệt. Song, từ vẻ đẹp trừu tượng ấy đến những ứng dụng sinh động trong thực tế, từ toán học đến các ngành khoa học thực nghiệm, mối liên kết là gì?

Theo PGS.TS. Hồ Đăng Phúc, câu trả lời nằm ở Thống kê - một lĩnh vực chuyên cung cấp các công cụ tư duy và tính toán cho nghiên cứu trong hầu hết các khoa học thực nghiệm. Nói cách khác, Thống kê chính là một chiếc cầu liên kết Toán học với thực tế sinh động, hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng của nhiều ngành khoa học tự nhiên và xã hội. Ngoài ra, thông qua một số minh chứng cụ thể về các bài toán của Y học, Bào chế dược phẩm, Môi trường, Lâm nghiệp, Xây dựng, sản xuất kinh doanh, PGS.TS. Hồ Đăng Phúc sẽ phân tích những tác động tích cực của thống kê đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học.

PGS.TS. Hồ Đăng Phúc là Nguyên Trưởng phòng Xác suất thống kê – Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ông tốt nghiệp Thạc sĩ Toán học, Đại học Tổng hợp Wroclaw (Ba Lan), sau đó, nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Toán – Lý, Lý thuyết Xác suất và Thống kê toán học tại Viện Toán học.

Chương trình hưởng ứng Ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam (18.5), với mục tiêu góp phần phát triển cộng đồng khoa học trong tương lai. Chương trình hy vọng sẽ phát động tinh thần nghiên cứu khoa học và công nghệ, phát huy tiềm năng của đội ngũ các nhà khoa học trẻ tại Việt Nam.

Nhật Nguyên
TIN LIÊN QUAN

Xây dựng Thừa Thiên- Huế thành Trung tâm Khoa học & Công nghệ của cả nước

PHÚC ĐẠT |

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu trở thành một trong những Trung tâm Khoa học và Công nghệ của cả nước giai đoạn 2021 - 2030.

Đại học Khoa học Tự nhiên công bố phương án tuyển sinh dự kiến năm 2021

TÂM AN |

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) vừa công bố phương án tuyển sinh dự kiến năm 2021.

Chia sẻ những tiến bộ khoa học công nghệ sau đại dịch COVID-19

Ái Vân |

Hội thảo "Khoa học và Công nghệ trong bình thường mới" có 12 phiên toàn thể và chuyên đề chia sẻ, cập nhật những tiến bộ về khoa học công nghệ sau dịch COVID-19.

Xây dựng Thừa Thiên- Huế thành Trung tâm Khoa học & Công nghệ của cả nước

PHÚC ĐẠT |

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu trở thành một trong những Trung tâm Khoa học và Công nghệ của cả nước giai đoạn 2021 - 2030.

Đại học Khoa học Tự nhiên công bố phương án tuyển sinh dự kiến năm 2021

TÂM AN |

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) vừa công bố phương án tuyển sinh dự kiến năm 2021.

Chia sẻ những tiến bộ khoa học công nghệ sau đại dịch COVID-19

Ái Vân |

Hội thảo "Khoa học và Công nghệ trong bình thường mới" có 12 phiên toàn thể và chuyên đề chia sẻ, cập nhật những tiến bộ về khoa học công nghệ sau dịch COVID-19.