Theo PGS.TS Phan Tại Huân - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia, việc cung cấp lương thực thực phẩm từ khu vực này rất quan trọng.
"Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần tiếp cận thực phẩm theo chuỗi tư duy mới từ trang trại đến bàn ăn. Do đó, đòi hỏi cách tiếp cận không chỉ ở một khâu để giảm phát thải mà cần có cách mới mẻ hơn để tác động tổng hợp. Chúng ta cần tìm hiểu, thảo luận để có nhận thức trên toàn chuỗi thực phẩm, nhằm đảm bảo phát triển kinh tế xã hội và giảm thiểu biến đổi khí hậu" - PGS.TS Phan Tại Huân cho hay.
Tại hội thảo TS Phạm Thu Thủy, Tổ chức CIFOR-ICRAF, Đại học Adelaide (Australia) cho biết, phát thải trong lĩnh vực lương thực thực phẩm chiếm khoảng 31% phát thải toàn cầu. Trong đó, phát thải của hệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam chiếm 1% lượng phát thải của hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu.
Tuy nhiên, tốc độ phát thải cũng đang có dấu hiệu tăng. Vì vậy, nếu Việt Nam không nhanh chóng kiểm soát lượng phát thải thì khả năng các quốc gia trên thế giới sẽ chuyển thị trường sang các quốc gia khác có lượng phát thải thấp hơn.
Hiện chiến lược phát triển hệ thống lương thực thực phẩm phát thải thấp tại ĐBSCL đang có những cơ hội tốt. Các mặt hàng nông sản ĐBSCL chiếm ưu thế về thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường quốc tế, chưa kể ngày càng có nhiều hợp tác xã đầu tư chuỗi liên kết khép kín từ khâu tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu xây dựng nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp.
Tuy nhiên, cũng có nhiều hạn chế để xây dựng chiến lược giảm phát thải ở khu vực ĐBSCL như quy hoạch vùng và ngành, thu hút đầu tư chưa hiệu quả, cơ sở hạ tầng chưa phát triển...
PGS.TS Kha Chấn Tuyền - Khoa Công nghệ Hoá học và Thực phẩm, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM đánh giá, thách thức lớn nhất của nông nghiệp vùng ĐBSCL là khâu tổ chức sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật còn manh mún, nhỏ lẻ.
Do đó, cần nhanh chóng nghiên cứu và định hướng thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp đặc thù cho từng địa phương ở ĐBSCL. Quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung để tạo nguồn nguyên liệu đủ lớn cho sản xuất có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, nhanh chóng ứng dụng các kỹ thuật công nghệ số để nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, giảm thất thoát sau thu hoạch...