Các bạn trẻ Việt Nam rất sáng tạo
Bà Lê Diệp Kiều Trang cho rằng, những kỹ sư người Việt Nam rất sáng tạo, cụ thể, nhờ họ mà công ty trước đây của chị đã tạo ra nhiều sản phẩm hoàn toàn mới, bán được trên toàn cầu. Vì vậy, các bạn trẻ đừng tự giới hạn mình trong việc gia công lại ý tưởng của nước ngoài mà hãy tự sáng tạo ra những điều mới mẻ thì cơ hội thành công sẽ cao hơn. Ngoài ra, qua kinh nghiệm bản thân, bà cũng khuyên các bạn trẻ nên làm việc theo nhóm, vì bản thân một người không đủ thời gian và sức lực làm hết công việc, mỗi người giỏi một lĩnh vực, phối hợp với nhau sẽ tạo nên kết quả tốt hơn nhiều. Cũng không nên giới hạn chỉ một công ty, vì chỉ tập trung ở một vài sản phẩm, trong khi tiềm năng của các bạn là rất lớn, có thể mở thêm nhiều công ty hơn.
Bà Trương Lý Hoàng Phi, Tổng giám đốc VinTech City, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TPHCM cho biết, thường mỗi người có 2 khuynh hướng suy nghĩ làm cho mình khó bước ra khỏi “biên giới” của bản thân: Một là nghĩ mình thấp hơn người khác, khiến cho bản thân lo lắng không thành công; hai là nghĩ mình trên người khác quá cao, vì có quá nhiều thành quả. Phần lớn thường rơi vào trường hợp thứ nhất, còn 20 - 30% số thành công còn lại nghĩ rằng mình có một “biên giới” khiến cho mình không thể bước lên trên cao hơn nữa. Người quá thành công thường khó thoát ra khỏi cái bóng của chính mình. Tư duy đó khiến cho họ đi lùi lại, hoài nghi về sự thành công, luôn đặt mình cao hơn người khác. Sự hoài nghi này cùng với những suy nghĩ tiêu cực sẽ làm cho họ không học được những bài học mới để bước ra khỏi “biên giới” của chính mình.

Bà Trương Lý Hoàng Phi khuyên các bạn trẻ nên xác định 3 vấn đề quan trọng: Thứ nhất, bản thân mình mạnh và yếu ở điểm nào. Bà cho rằng, ai cũng biết điều này, nhưng thực tế, nhận ra được các điểm này một cách chính xác thì không phải ai cũng làm được. Khi nhận ra được điềm mạnh thì phải biết khai thác điểm mạnh đó một cách tối đa, biến mình trở thành người “mạnh nhất”, nhờ đó khắc phục được những điểm yếu của mình. Khi làm gì, dù đó là chuyện nhỏ, phải làm một cách tốt nhất có thể. Thứ hai, đừng bao giờ giới hạn cơ hội học hỏi của mình, học hỏi ở đây không chỉ là việc đến trường, mà còn là việc học hỏi thành công ở người khác, và xem đó là cơ hội tốt cho mình. Thứ ba, đừng bao giờ tư duy theo cách cũ, làm theo cách cũ mà lại kỳ vọng có một kết quả mới. Không có cách nào khác là phải thay đổi theo cái mới, làm cách làm mới hơn, thậm chí là nguồn lực mới.
Không cần quá thông minh vẫn có thể thành công
GS.TS. Vũ Ngọc Tâm, người sáng lập và điều hành Earable chia sẻ: “Luôn luôn giữ cho mình cái “đầu mở”, không giới hạn nó. Bên cạnh đó là phải xác định giới hạn bản thân là gì để có hướng khắc phục”. Về chiến lược thu hút nhân tài cho startup, ông kể về kinh nghiệm bản thân: “Trước đây, khi tuyển người cùng làm với mình ở Mỹ, tôi nghĩ cần phải tìm người đã từng có thành tích cao trong học tập, … Nhưng tôi đã nhanh chóng nhận ra điều đó là sai lầm. Khi tôi giao việc, họ không làm được. Có 2 trường hợp, trường hợp thứ nhất là việc dễ thì họ làm được ngay, nhưng với việc khó, không làm được thì họ bỏ vì cho rằng mình đã giỏi rồi mà không được thì dừng lại”. Sau này ông đã thay đổi cách dùng người, tuyển người có nền tảng vừa phải cũng có thể làm tốt mọi việc, nhưng phải có thái độ làm việc tốt và đặc biệt là phải chăm chỉ. Ông đi đến kết luận: “Thông minh không thể bù đắp cho việc thiếu chăm chỉ được”.
GS.Tâm cho rằng, các bạn trẻ không nên quá lo lắng về việc mình “không đủ thông minh để làm việc này, không đủ thông minh để làm việc kia”, vì không phải ai cũng được như vậy. Đã có nhiều chứng minh cho thấy, người có chỉ số thông minh chỉ cần vượt qua ngưỡng trung bình thì cơ hội thành công bằng với những người có trí thông minh kiệt xuất.