Nhờ tham gia các chương trình đào tạo tại DN, người lao động (NLĐ) đã không bị đào thải khi DN thay đổi công nghệ. Đặc biệt, nhiều người có được những cơ hội thăng tiến trong công việc, nắm giữ các vị trí quan trọng tại DN dù xuất phát điểm là công nhân (CN) trực tiếp sản xuất.
Tổng giám đốc vốn là lao động phổ thông
“Năm 1996, tôi từ Quảng Nam vào TPHCM tìm việc làm. Với trình độ chỉ học hết lớp 9, tôi xin vào làm việc tại TCty CP May Nhà Bè (Quận 7, TPHCM) với vị trí là CN trực tiếp sản xuất”, anh Phan Quang Cương, hiện đang là Giám đốc Cty CP May Veston - Đức Linh (Bình Thuận) mở đầu câu chuyện. Hơn 20 năm gắn bó ở TCty CP May Nhà Bè, không ngừng học hỏi, từ một CN trực tiếp sản xuất, giờ đây anh Cương trở thành một trong những cán bộ chủ chốt của đơn vị.
Những năm 90, May Nhà Bè có chủ trương phổ cập văn hóa cho CN làm việc ở đơn vị. Anh Cương và các đồng nghiệp chưa học hết phổ thông đăng ký theo học các lớp bổ túc văn hóa được mở ngay tại DN. Sau 3 năm, anh học hết chương trình phổ thông, thi lấy bằng tốt nghiệp. Sau đó, anh đăng ký học các lớp Quản lý chuyền, Kỹ thuật sản xuất và tiếp tục đăng ký học cao đẳng nghề ngành Công nghệ may do tổng công ty phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Vinatex mở tại DN.
Ngày đi làm, đêm đi học, anh Cương đã kiên trì trải qua tất cả các khóa học, chương trình đào tạo theo định hướng phát triển của TCty CP May Nhà Bè thời điểm đó. Chia sẻ về quá trình đã qua, anh Cương nói: “Tất cả các lớp học, khóa học tôi và đồng nghiệp tham gia đều được miễn phí hoàn toàn. Hơn nữa, lớp học được tổ chức ngay tại công ty nên CN chúng tôi không phải đi xa. Thú thật, thời điểm đó, điều kiện đi lại khó khăn, xe cộ không có, nếu công ty không hỗ trợ địa điểm học, học phí, chúng tôi khó lòng theo hết các khóa học”.
Có kinh nghiệm và có trình độ, anh Cương được cất nhắc lên các vị trí cao hơn. Những năm gần đây, TCty CP May Nhà Bè mở rộng sản xuất về các tỉnh, với kinh nghiệm quản lý, anh Cương được điều động ra các nhà máy mới và giữ các vị trí quan trọng.
“Ban đầu tôi giữ vị trí Phó giám đốc một nhà máy ở Đức Linh với quy mô 1.300 CN. Hiện tại TCty CP May Nhà Bè đang triển khai thêm một nhà máy quy mô 1.000 CN, tôi được điều sang đó giữ vị trí Giám đốc. Đây sẽ là thử thách nhưng cũng là cơ hội cho bản thân mình”, anh Cương chia sẻ.
Chịu thay đổi sẽ có công việc tốt hơn!
Những năm gần đây, TCty Điện lực TPHCM ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh như sử dụng điện kế thu thập dữ liệu từ xa, trạm vận hành không người trực… Kéo theo đó, lượng lớn NLĐ làm việc ở các bộ phận này sẽ mất việc. Tuy nhiên, do đơn vị chủ động đào tạo, chuyển đổi công việc cho NLĐ nên hầu hết NLĐ đều có việc làm mới.
Anh Trương Tấn Tài, 33 tuổi, làm việc tại Trạm vận hành Linh Trung II, Cty Lưới điện cao thế đã 13 năm. Khi ngành điện TP đưa vào sử dụng trạm vận hành không người trực, những người thợ như anh Tài đối mặt với nguy cơ mất việc. Anh Tài chia sẻ: “Thời điểm đó tôi khá lo lắng. Tuy nhiên, công ty đưa xuống cho chúng tôi một phiếu điền nguyện vọng cá nhân. Tôi đăng ký về Cty Dịch vụ lưới điện”. Khi qua đơn vị mới, anh Tài được đưa đi đào tạo 3 tháng về sửa chữa điện nóng (Live-Line) tại Trung tâm Huấn luyện nghiệp vụ (thuộc Ban tổ chức và Nhân sự của TCty). Anh Tài chia sẻ: “Với công việc mới, thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình tôi không xáo trộn gì. Hiện tôi đang học thêm đại học ngành Hệ thống điện. Nếu được loại giỏi, tổng công ty sẽ có thưởng. Mặc dù hơi khó, nhưng đó cũng là một sự động viên, khích lệ cho tôi”.
Hơn 20 năm công tác trong ngành điện, với công việc ban đầu là bảo vệ, ông Phạm Văn Nhỏ, năm nay 50 tuổi, trải qua nhiều vị trí, đến nay, ông Nhỏ hiện đang làm việc tại Đội quản lý Đo Đếm (PC Tân Bình). Ông Nhỏ chia sẻ: “Từ năm 1995 đến năm 2008, tôi làm bảo vệ. Sau đó, ngành điện thay đổi cách quản lý, giảm bảo vệ, tôi chuyển sang làm thu cước viễn thông, trực tổng đài, sửa chữa điện. Nếu như những DN khác, khi chuyển đổi, người không có trình độ như tôi sẽ mất việc nhưng công ty tạo điều kiện, hỗ trợ hết chi phí cho tôi đi học trung cấp kỹ thuật điện. Hiện tại, nếu so với công việc bên hành chính, lương thợ của tôi bây giờ khá hơn”.
Ông Trần Thanh Liêm – Phó Trưởng ban Tổ chức và Nhân sự TCty Điện lực TPHCM, cho biết: Khi đơn vị ứng dụng công nghệ mới, những NLĐ làm công việc liên quan sẽ bị ảnh hưởng. Đơn cử như có 351 nhân viên ghi điện, 350 nhân viên thu ngân lưu động và 342 nhân viên trực trạm vận hành sẽ phải chuyển đổi công việc. Để chủ động, đơn vị đã tổ chức đào tạo lại theo nguyện vọng và nhu cầu của đơn vị, đảm bảo không NLĐ nào mất việc.
“Khi DN có chính sách đào tạo cho NLĐ, tạo cơ hội cho NLĐ có chỗ đứng trong công việc, vững tay nghề, không lo bị đào thải sẽ giúp NLĐ an tâm gắn bó với DN. Để hỗ trợ CN, CĐ có các chương trình khen thưởng để khuyến khích, động viên anh chị em tham gia các khóa đào tạo của DN” - Bà Nguyễn Thị Thanh – Chủ tịch CĐ TCty CP May Nhà Bè, chia sẻ.