Cách đây ít ngày, một em bé 13 tuổi ngụ tại tỉnh Nghệ An đã phải nhập viện cấp cứu với vết thương nặng ở tay và 2 mắt do chiếc iPhone phát nổ khi đang tình trạng cắm sạc. Hiện các bác sĩ đã cắt phần dập nát ở bán tay của em và chuyển sang bệnh viện mắt để tiếp tục điều trị.
Không riêng gì trường hợp này, tại nhiều địa phương cũng đã xảy ra tình trạng điện thoại, các thiết bị dùng pin sạc phát nổ hoặc bị chập điện. Ở TPHCM cũng đã ghi nhận một số vụ tai nạn tương tự, thậm chí có trường hợp tử vong do sử dụng điện thoại lúc đang sạc rồi bị giật điện.
Theo các chuyên gia, pin điện thoại di động bình thường khá an toàn. Tuy nhiên, do dùng vật liệu tích điện với mật độ cao (do yêu cầu nhỏ gọn của điện thoại) nên khi xảy ra tình trạng đoản mạch thì lượng điện trong pin bắt đầu giải phóng ra ngoài.
Thường thì viên pin sẽ cháy nhưng nhiều lúc cũng phát nổ do năng lượng bị nén cần giải phóng ra ngoài. Lúc đó, việc người sử dụng cầm điện thoại trên tay sử dụng thì tổn thương là không tránh khỏi.
Ngoài ra, việc sử dụng cục sạc không đúng quy chuẩn cũng là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn khi dùng điện thoại lúc đang sạc. Trường hợp bé trai tử vong do bị điện giật nêu ở trên được cho là sử dụng cục sạc trôi nổi, không đảm bảo chất lượng khiến điện bị rò rỉ ra ngoài, gây nên tai nạn thương tâm.
Để tránh tình trạng này, hầu hết các nhà sản xuất điện thoại di động khuyến cáo người dùng nên sử dụng bộ sạc do chính công ty sản xuất. Cá biệt, một số dòng điện thoại mới ra đời có tính năng sạc nhanh với công suất sạc lớn thì cần phải tuân thủ nghiêm khuyến cáo này. Dung lượng pin lớn, tốc độ nạp điện của viên pin rất nhanh, nếu dây và đồ sạc không đảm bảo thì không những gây tổn hại đến thiết bị mà còn có thể gây nguy hiểm.
Anh Tâm - một thợ sửa điện thoại ở quận 10 khuyến cáo, nếu không sạc mà điện thoại nóng lên bất thường thì người dùng nên bỏ ra khỏi túi, sau đó đưa điện thoại, bộ sạc đến cửa hàng hoặc trung tâm bảo hành để kiểm tra. Nếu phát hiện máy, pin hay bộ sạc có vấn đề thì nên thay bằng hàng chính hãng.
Việc sử dụng thiết bị và dây sạc phải chính hãng. Nếu dùng bộ sạc của hãng khác thì nên chú ý đến công suất của củ sạc, chất lượng của dây. Thường thì những điện thoại phổ thông sẽ được nhà sản xuất trang bị củ sạc có công suất 5W nên nếu muốn thay thì phải để ý đến thông số này. Dây sạc cũng nên chú ý các đầu tiếp xúc không bị gỉ sét, dây dẫn không bị rò rỉ.
“Hạn chế tối đa việc vừa sạc vừa dùng điện thoại để tránh trường hợp đoản mạch do lúc này pin vừa nạp, vừa xả điện. Còn khi sạc thì nên tránh để điện thoại trên nệm, chăn hoặc các vật liệu dễ bắt lửa” – anh Tâm chia sẻ.
Không riêng gì điện thoại di động, do công nghệ pin được ứng dụng rộng rãi nên hiện nay loa, máy khoan cầm tay, xe máy hay thậm chí cả ô tô đã được tích hợp pin như là một nguồn năng lượng chính. Do vậy, người dùng khi sử dụng những thiết bị này càng cần phải tuân thủ các khuyến cáo của nhà sản xuất để đảm bảo an toàn cho bản thân và thiết bị.