Chàng trai vẽ tranh truyền thần nuôi ước mơ gây từ thiện cho trẻ em nghèo

ĐÌNH PHÙNG |

“Nhiều người nhìn tranh đều cho rằng tôi có học các lớp hội họa nhưng quả thật tất cả đều do bản thân tôi tự học hỏi. Có khoảng thời gian, ban ngày tôi lái xe tải chở hàng, tối về lại cặm cụi cầm bút chì hí hoáy vẽ. Đêm nào không đụng vào bút chì, tập giấy là thấy tay chân ngứa ngáy không tài nào ngủ được. Vì quá đam mê vẽ nên tôi nghỉ lái xe để dồn tâm sức vào những bức vẽ của mình”, anh Lâm tâm sự.

Ngày lái xe, đêm hí hoáy vẽ

Chàng trai trẻ Phạm Thanh Lâm (SN 1993, ở thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã khiến nhiều người phải thán phục với những bức tranh truyền thần sống động bằng bút chì. Thưởng thức những bức tranh chân dung rất có hồn, sống động và cuốn hút ấy, ít ai nghĩ rằng chàng trai tài năng này chưa từng học qua một lớp hội họa nào.

Có ước mơ vẽ tranh từ nhỏ nên từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Lâm đã vẽ rất nhiều bức tranh tặng cho các bạn cùng lớp. Tuy nhiên, những bức tranh Lâm vẽ đều bị nhận xét là không giống thật. Năm 2010, khi ấy đang học lớp 11, Lâm tình cờ lướt trên mạng và thấy các video của một họa sĩ ở TPHCM vẽ tranh truyền thần. Nhìn những nét vẽ của họa sĩ này, anh rất thích thú và ước mơ theo đuổi nghề vẽ tranh truyền thần.

“Những video của người họa sĩ cứ cuốn hút tôi. Rồi, những đêm đi dạo công viên và các khu chợ gần nhà, tận mắt thấy nhiều bác lớn tuổi đi nét bút đơn giản mà vẽ nên những đôi mắt hút hồn càng thôi thúc tôi quyết tâm theo đuổi nghề vẽ tranh truyền thần. Thế nhưng, khi tôi vẽ đều tay hơn và chuẩn bị đi thi đại học ngành hội họa thì gia đình lại không có điều kiện. Tôi đành gác lại ước mơ…”, anh Lâm bộc bạch.

Sau khi học hết cấp 3, Lâm lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đến năm 2016, kết thúc quá trình huấn luyện trong quân đội, Lâm trở về nhà với nghề chạy xe tải. Niềm đam mê vẽ tranh lại thôi thúc anh cầm bút chì vẽ lên những bức chân dung. Vì không có điều kiện để theo học ở các trường lớp chính quy về môn nghệ thuật này, chàng trai trẻ đã tự mày mò, tìm hiểu qua internet để học hỏi, tích lũy kiến thức cũng như kinh nghiệm.

“Nhiều người nhìn tranh đều cho rằng tôi có học các lớp hội họa nhưng quả thật tất cả đều do bản thân tôi tự học hỏi. Có khoảng thời gian, ban ngày tôi lái xe tải chở hàng, tối về lại cặm cụi cầm bút chì hí hoáy vẽ. Đêm nào không đụng vào bút chì, tập giấy là thấy tay chân ngứa ngáy không tài nào ngủ được. Vì quá đam mê vẽ nên tôi nghỉ lái xe để dồn tâm sức vào những bức vẽ của mình”, anh Lâm tâm sự. 

Bức tranh truyền thần một người phụ nữ được anh Lâm vẽ.
Bức tranh truyền thần một người phụ nữ được anh Lâm vẽ.

Tâm đắc nhất là bức tranh vẽ Bác Hồ

Sau hơn 2 năm chính thức theo đuổi nghiệp vẽ, anh Lâm đã vẽ lên hơn 1.000 bức chân dung. Anh bảo, để vẽ được một bức tranh than chì chỉ cần 2 nguyên liệu đó là khổ giấy trắng và than chì. Sẽ có 3 bước để có được một bức tranh chì y như thật. Bước đầu tiên là dựng hình, phác họa, đây cũng là bước khó nhất, bởi nếu như dựng hình không giống, vẽ các chi tiết cũng sẽ không giống. Bước tiếp theo là đánh bóng lên khối cảm nhận sắc độ, ánh sáng. Bước cuối cùng là hoàn thiện bản vẽ cảm nhận thần thái, ngũ quan của nhân vật.

Theo anh Lâm, để hoàn thiện bức tranh A2 sẽ mất từ 3 - 4 ngày, còn khổ A0 sẽ mất khoảng 20 ngày. Với anh, khi vẽ phải truyền sao cho trung thực về dung mạo, chi tiết trên khuôn mặt… ; đồng thời nâng lên những chi tiết đắt như một ánh mắt, một khóe môi, một nụ cười hay một nếp nhăn… đủ để làm toát lên cái hồn của bức chân dung. “Một bức vẽ truyền thần đẹp phải đạt 2 yếu tố: giống và tới. Giống là nét nào phải ra nét ấy, nhưng không phải là chép lại hình ảnh một cách cứng nhắc. Còn tới là phải đạt đến cái thần của bức chân dung. Đặt biệt, đôi mắt có sống bức chân dung mới đẹp, bởi đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, nhìn vào đôi mắt có thể thấy thần thái của bức tranh”, anh Lâm cho biết.

Mỗi khi hoàn thành một bức chân dung, điều ý nghĩa nhất đối với anh Lâm là nhận được những lời khen ngợi của bạn bè và gia đình. Đây cũng là động lực để anh tiếp tục vẽ nên những tuyệt tác. Anh cho rằng tranh chân dung không chỉ dừng lại ở một bức tranh mà còn lưu giữ lại những khoảnh khắc, ký ức đáng nhớ. “Bức tranh được tạo bởi hai mảng màu đen và trắng tạo nên sự lắng đọng của thời gian. Đồng thời, nó cũng chuyển tải khoảnh khắc tốt nhất, gợi lại những kỷ niệm, đem đến ấn tượng đẹp đẽ hơn”, anh Lâm chia sẻ.

Trong số cả nghìn bức tranh của mình, anh Lâm tâm đắc nhất là bức vẽ về Chủ tịch Hồ Chí Minh và tiếp đến là bức vẽ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh cho biết, khi vẽ hai bức tranh này, mỗi bức anh phải mất khoảng 20 ngày để hoàn thành. Bởi ngoài việc phác họa một bức tranh sao cho giống nguyên bản còn cần phải vẽ sao cho bức tranh có thần thái của một vị lãnh tụ, một vị đại tướng. “Tôi cũng như bao người dân Việt Nam rất khâm phục và biết ơn sâu sắc đến đối với Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi vẽ, tôi đã gửi vào trong từng nét cọ của mình cả tấm lòng, sự ngưỡng mộ dành cho Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi cố gắng vẽ chi tiết từng đường nét sao cho thể hiện được thần thái. Cũng vì vậy mà khi tôi đưa hai bức tranh này lên internet, nhiều người khắp nơi biết đến và gửi hình ảnh nhờ vẽ truyền thần”, anh Lâm tâm sự. 

Nhiều bạn trẻ tìm đến nhờ anh Lâm vẽ hình cưới.
Nhiều bạn trẻ tìm đến nhờ anh Lâm vẽ hình cưới.

Ước mơ gây quỹ từ thiện cho trẻ em nghèo

Có tận mắt nhìn thấy đôi bàn tay nhanh nhẹn, khéo léo của anh Lâm khi vẽ tranh mới cảm nhận được lòng yêu nghề, đam mê như thế nào. Anh bảo, với hai màu đen - trắng trên những dải sáng tối khác nhau, khi diễn được cái thần, những bức ảnh truyền thần thành công thật sự là những tác phẩm nghệ thuật. Điều mà công nghệ ảnh phục chế sử dụng kỹ thuật vi tính khó lòng đạt được. Giữa cuộc sống hiện đại, vẫn còn nhiều người tìm đến anh như để tìm lại những đường nét, con người, kỷ niệm xa xăm. “Tranh truyền thần không chỉ ở vẻ đẹp hoài cổ mà còn ở sức hấp dẫn từ cái đẹp vừa tĩnh vừa động vừa đơn giản dễ xem, dễ cảm vừa sâu sắc, bí ẩn hiện diện trong mỗi một bức chân dung truyền thần”, anh Lâm cho biết.

Nói rồi anh bảo: “Người ta hay nói không thầy đố mày làm nên. Nhiều người có điều kiện để đi học những môn họ yêu thích nhưng không phải ai cũng làm tốt. Tôi chỉ muốn chứng minh rằng không nhất thiết cứ phải được đào tạo thì mới khá lên được. Chỉ cần mình đam mê, mọi việc sẽ thành công”.

Chia sẻ về ước mơ sau này của mình, anh Lâm cho biết: “Bản thân tôi muốn vẽ thật nhiều bức tranh để gây quỹ từ thiện ủng hộ trẻ em miền núi, những trẻ em chất độc màu da cam và trẻ em ở các vùng bão lũ trên mọi miền Tổ quốc. Dù vậy, một cánh én không làm nên mùa xuân. Tôi rất muốn kết nối, gặp gỡ với nhiều người bạn cũng có chung đam mê vẽ tranh truyền thần như tôi để để cùng nhau xây dựng ước mơ ấy”.

ĐÌNH PHÙNG
TIN LIÊN QUAN

Dương Thuý Vi và kỳ ASIAD cuối cùng

HOÀI ĐAN |

​ASIAD 18 có thể coi kỳ Á vận hội cuối cùng của VĐV wushu Dương Thuý Vi. Thế nhưng, cô chỉ có thể rời giải đấu với chiếc huy chương đồng. Đây là điều khiến nhiều người tiếc nuối.

Cô công nhân trẻ với đôi tay vàng và cái đầu luôn tìm tòi sáng kiến

KỲ QUAN |

Ở vùng quê ấy, khi nghề nông không còn là lựa chọn duy nhất, nhiều cô gái trẻ đã chọn cho mình hướng đi nhẹ nhàng, êm ái, như: Bán quán cà phê, bán quán ăn, nhân viên bán hàng, tiếp thị sản phẩm... Những ai có điều kiện thì học lên cao để mong có tương lai tươi sáng hơn. Không ít những cô gái chấp nhận những nghề “nhạy cảm“ để mong kiếm nhiều tiền. Trước ngưỡng cửa vào đời, chị cũng từng băn khoăn trước những lời rủ rê hấp dẫn của bạn bè, nhưng cuối cùng, chị quyết định đi làm công nhân (CN). Và chị đã sớm đoạt giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh nhờ đôi bàn tay vàng và cái đầu luôn tìm tòi sáng kiến.

Gian khó rèn bản lĩnh người thợ

LÊ AN NHIÊN |

Khi gặp khó khăn, người thợ không né tránh mà sẵn sàng lao vào thử thách, không chỉ khắc phục hạn chế, họ còn có những sáng kiến, cải tiến mới, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động tại doanh nghiệp.

“Thiên thần không đôi chân” của ấp Ràng

MAI PHƯƠNG |

Men theo tỉnh lộ 2 đến xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TPHCM, chỉ cần hỏi tên cô giáo Huỳnh Thanh Thảo thì người dân ở đây sẽ nhiệt tình chỉ đến tận nơi. Người ta gọi cô giáo Thảo với cái tên thân mật là “cô Ba” hay “Thiên thần không đôi chân” của ấp Ràng.

Dương Thuý Vi và kỳ ASIAD cuối cùng

HOÀI ĐAN |

​ASIAD 18 có thể coi kỳ Á vận hội cuối cùng của VĐV wushu Dương Thuý Vi. Thế nhưng, cô chỉ có thể rời giải đấu với chiếc huy chương đồng. Đây là điều khiến nhiều người tiếc nuối.

Cô công nhân trẻ với đôi tay vàng và cái đầu luôn tìm tòi sáng kiến

KỲ QUAN |

Ở vùng quê ấy, khi nghề nông không còn là lựa chọn duy nhất, nhiều cô gái trẻ đã chọn cho mình hướng đi nhẹ nhàng, êm ái, như: Bán quán cà phê, bán quán ăn, nhân viên bán hàng, tiếp thị sản phẩm... Những ai có điều kiện thì học lên cao để mong có tương lai tươi sáng hơn. Không ít những cô gái chấp nhận những nghề “nhạy cảm“ để mong kiếm nhiều tiền. Trước ngưỡng cửa vào đời, chị cũng từng băn khoăn trước những lời rủ rê hấp dẫn của bạn bè, nhưng cuối cùng, chị quyết định đi làm công nhân (CN). Và chị đã sớm đoạt giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh nhờ đôi bàn tay vàng và cái đầu luôn tìm tòi sáng kiến.

Gian khó rèn bản lĩnh người thợ

LÊ AN NHIÊN |

Khi gặp khó khăn, người thợ không né tránh mà sẵn sàng lao vào thử thách, không chỉ khắc phục hạn chế, họ còn có những sáng kiến, cải tiến mới, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động tại doanh nghiệp.

“Thiên thần không đôi chân” của ấp Ràng

MAI PHƯƠNG |

Men theo tỉnh lộ 2 đến xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TPHCM, chỉ cần hỏi tên cô giáo Huỳnh Thanh Thảo thì người dân ở đây sẽ nhiệt tình chỉ đến tận nơi. Người ta gọi cô giáo Thảo với cái tên thân mật là “cô Ba” hay “Thiên thần không đôi chân” của ấp Ràng.