Sự tích nghề làm nón làng Đan Du (nón lá Kỳ Thư)
Một buổi chiều tháng 6, chúng tôi tìm đến nhà ông Võ Xuân Nam (sinh năm 1943, trú tại thôn Đan Trung, xã Kỳ Thư, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) thân sinh của ông là cụ Võ Xuân Bính (sinh năm 1909), người được cho là trực tiếp đưa nghề làm nón lá về với làng Đan Du.

Nhấp chén trà nóng mới pha, ông kể: “Năm 18 tuổi sau khi lập gia đình, bố tôi (tức cụ Võ Xuân Bính) vào Quảng Bình học nghề. Tuy nhiên, thời điểm đó nghề làm nón chỉ truyền cho người dân trong vùng, không truyền cho người ngoài nên hàng ngày bố tôi chỉ có thể đứng xem người dân ở đó làm việc. Lâu ngày, người dân thấy được tình cảm sâu nặng của bố tôi đối với nghề làm nón, từ đó họ mới bắt đầu truyền nghề lại. Đến năm 20 tuổi, khi đã học nghề thành công bố tôi trở về quê, từ đó xây dựng nên hình ảnh nón lá Đan Du (nón lá Kỳ Thư) như bây giờ”.

Thời gian sau đó, người dân trong vùng thấy giá trị kinh tế từ nghề làm nón mang lại, nhiều người ở các xã lân cận đến xin học nghề rồi được cụ Bính truyền lại. Từ đó, nghề làm nón không ngừng được mở rộng và phát triển.
Tự hào nghề làm nón
Ở cái tuổi xấp xỉ 80, nhưng hàng ngày vợ chồng ông Võ Xuân Nam, bà Nguyễn Thị Nguyệt (sinh năm 1955) vẫn miệt mài người vót tre, kẻ luồn kim may vá, đều đặn hằng ngày có từ 2 đến 3 chiếc nón xuất xưởng.

Đối với ông Nam, nghề làm nón không chỉ đơn thuần là công việc kiếm thêm thu nhập mà đó vừa là tuổi thơ, vừa là lịch sử truyền thống gia đình. “Không biết, sau này nghề làm nón sẽ đi về đâu, mấy chục năm nữa còn có ai đội nón đi làm, đi chơi nhưng miễn tôi còn sống, còn sức khỏe thì tôi vẫn sẽ tiếp tục làm nón, giữ bằng được cái nghề này”, ông Nam khẳng định.

Trước đó, năm 2014, nón lá Kỳ Thư đã vinh dự được công nhận là làng nghề truyền thống. Hiện có hơn 200 hộ dân đang trực tiếp tham gia làm nón.
Tỉ mỉ, cẩn thận và khéo léo
Để hoàn thiện được một chiếc nón phải trải qua rất nhiều công đoạn từ khâu chuẩn bị nguyên vật liệu, sơ chế nguyên liệu, lên khuôn, may và hoàn thiện. Nguyên liệu làm nón chủ yếu là tre, đùng đình, sợi vọt, chỉ khâu.


Thông thường lá nón (lá dừa hoặc lá cọ) được lấy từ rừng, tre và đùng đình được chẻ, vót tròn rồi uốn thành từng vành, bó lại đem phơi nắng trước khi đưa lên khuôn. Chỉ khâu thường dùng bằng sợi sợi cước.

"Nói thì dễ nhưng có bắt tay vào làm mới biết, không phải ai cũng làm được, để làm ra một chiếc nón đẹp đòi hỏi người làm phải thật cẩn thận, thật khéo léo từng chi tiết, không thể vội, tiến hành theo từng bước một cách tuần tự thì mới cho ra nón đẹp được", ông Nam nói thêm.
Nón cũng được chia ra làm 2 loại. Nón được dùng trong lao động sản xuất sẽ thường có vành to, cứng, còn nếu nón được dùng trong cưới hỏi, trang trí thì vành thường nhỏ, nhẹ, ngoài ra khi hoàn thiện người làm nón còn chèn thêm một số loại tranh phong cảnh hoặc là làm theo yêu cầu của người đặt.

Sau khi hoàn thiện, nón sẽ được quét phủ lên một lớp dầu bóng giúp nón trở nên cứng cáp, bắt mắt. Mỗi chiếc nón sẽ được bán với giá từ 40.000 – 70.000 đồng/chiếc tùy loại.
Giờ đây, nghề làm nón đã không còn được phát triển như những năm trước, nón lá không còn được nhiều người sử dụng nhưng nghề làm nón mãi là niềm tự hào của ông Nam, của người dân làng Đan Du.
