Giữa dịch virus Corona đang diễn biến phức tạp, khẩu trang y tế vẫn là câu chuyện "nóng” trên thị trường cũng như cộng đồng mạng. Nhiều người tìm mua bằng được khẩu trang y tế với giá “cắt cổ” để phòng bệnh cho cả gia đình. Tuy nhiên, sau khi sử dụng, việc thu gom và xử lý khẩu trang cũng là vấn đề khiến nhiều người lo ngại.
Ghi nhận vào chiều ngày 8-9.2, tại các tuyến đường như Võ Văn Kiệt, Hoàng Sa (quận 1), Cách Mạng Tháng Tám, Tô Hiến Thành (quận 10), Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), Phan Xích Long (quận Phú Nhuận)... khẩu trang y tế sau khi sử dụng bị vứt bỏ khắp mặt đường, vỉa hè, nắp cống khiến đường phố trở nên nhếch nhác, mất vệ sinh.
Đáng nói là không chỉ những đoạn đường vắng người qua lại, mà ngay trước các cổng bệnh viện - nơi có lượng bệnh nhân đông đúc như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nhi Đồng 2… cũng có rác thải là khẩu trang y tế bị vứt bỏ tùy tiện.
Chứng kiến cảnh khẩu trang vương vãi khắp các tuyến phố, chị Hồng Linh - chủ một cửa hàng tiệm hoá (quận Bình Thạnh) - cho biết: “Người dân sẵn sàng “móc hầu bao” để mua khẩu trang giá cao gấp 3 - 4 lần nhưng khi có được lại xài một cách thiếu ý thức. Đừng nghĩ chỉ bảo vệ bản thân là đủ! Việc tiện tay vứt khẩu trang đã qua sử dụng vô tội vạ có thể là nguồn lây bệnh cho cộng đồng”.
Tương tự, anh Mạnh Hùng đang sống tại một chung cư (quận 10) - lo ngại: “Trước đây, tôi luôn cho trẻ nhỏ xuống sân chơi vào cuối buổi chiều. Kể từ khi thấy rác khẩu trang y tế bị vứt bỏ lung tung, tôi không còn dẫn trẻ đến gần khu vực đó. Bởi trẻ con thường có tính tò mò, nhặt đồ vật dưới đất lên đùa nghịch”.
“Bây giờ, tôi không biết khẩu trang có tác dụng phòng virus hay để phát tán virus. Bởi quan sát quanh các tuyến đường, cứ 3 - 4m lại có một chiếc khẩu trang. Chưa kể với kiểu dáng mỏng nhẹ, khẩu trang bị vứt bừa bãi có thể dễ dàng bay theo gió. Nếu như vô tình tiếp xúc khẩu trang chứa virus gây bệnh thì quá nguy hiểm” - anh Hùng bày tỏ bức xúc.




Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch - việc vứt khẩu trang y tế bừa bãi là không nên, vì giọt bắn chứa virus Corona có thể sống từ 24h - 48h trong điều kiện tự nhiên. Nếu ở môi trường độ ẩm thấp, virus có thể tồn tại và hoạt động mạnh hơn.
Bên cạnh lây nhiễm virus, vứt khẩu trang bừa bãi khiến các mầm bệnh khác phát tán nhanh ra môi trường như: ngấm vào đất, trôi theo dòng nước... Từ đó, người dân phải chịu nhiều hậu quả khôn lường.
BS. Thanh Hiệp khuyến cáo, người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân, cũng như bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng bằng cách vứt khẩu trang tại các điểm tập kết rác sau một lần sử dụng. Ngoài ra, công nhân ngành vệ sinh môi trường nên trang bị đồ bảo hộ như: khẩu trang, găng tay, dụng cụ gắp rác… khi tiếp xúc với rác thải sinh hoạt, trong đó có khẩu trang y tế đã qua sử dụng.