Gan rất dễ bị tổn thương
Gan là một cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể, thực hiện nhiều chức năng quan trọng như xử lý hầu hết các chất dinh dưỡng hấp thu từ ruột, đào thải các chất độc hại ra khỏi máu (khử độc thuốc, rượu và các chất độc khác), tiết dịch mật để hỗ trợ tiêu hóa và sản sinh ra nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như cholesterol, protein, glucose... Vì tính chất phức tạp và sự tiếp xúc của gan với nhiều chất độc nên gan rất dễ bị bệnh. Bệnh lý của gan bao gồm nhiều loại, trong đó phổ biến và phức tạp nhất là bệnh viêm gan.
Chia sẻ về mức độ nguy hiểm của bệnh, bác sĩ Lại Lan Phương (Trưởng khoa Tim mạch và Nội tiết, Bệnh viện Y học Cổ truyền Bộ Công an) cho biết: “Viêm gan xảy ra khi có tế bào nhu mô gan bị hủy hoại, từ đó, màng tế bào gan bị vỡ làm cho các enzym chuyển amin của gan tăng cao trong máu, chức năng hoạt động của gan bị suy giảm nghiêm trọng. Đặc biệt, bệnh viêm gan không trừ một ai, mọi đối tượng đều có thể bị mắc bệnh. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm thì bệnh viêm gan sẽ tiến triển ngày một nặng và chuyển sang các giai đoạn: viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan và thậm chí là tử vong”.
Cũng theo bác sĩ Lan Phương, viêm gan xuất phát từ nguyên nhân vi rút viêm gan, vi khuẩn và một số loại ký sinh trùng xâm nhập cơ thể. Rượu, bia, hóa chất và một số loại thuốc cũng là tác nhân dẫn đến viêm gan. Ngoài ra, yếu tố tự miễn cũng là nguyên nhân gây bệnh.
Theo số liệu của Bộ Y tế, viêm gan do virus là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan và ung thư gan tại Việt Nam. Hàng năm có khoảng hơn 10 triệu ca nhiễm virus viêm gan B và C ở Việt Nam. Điều này có nghĩa là trong chín người ở Việt Nam thì có một người bị nhiễm viêm gan B (HBV) hoặc nhiễm viêm gan C (HCV). Viêm gan B và C gây ra gần 80.000 ca viêm gan, xơ gan hoặc ung thư gan; và 22.000 ca tử vong mỗi năm.
Bác sĩ Lan Phương thông tin thêm, trong lúc dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, vi rút SARS-CoV-2 gây tổn thương ở khắp các phủ tạng trong đó có gan, bệnh nhân có sẵn các bệnh lý mạn tính như viêm gan, xơ gan, đặc biệt là viêm gan B nếu đồng nhiễm SARS- CoV-2 thì sẽ có nguy cơ diễn tiến nặng. Nhóm người này có sức chống đỡ kém trước sự tấn công của vi rút. Do đó, người bị viêm gan B cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa COVID-19 để tránh lây nhiễm bệnh.
Lời khuyên phòng ngừa bệnh
Để bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa mắc bệnh, bác sĩ Lan Phương khuyến cáo, hiện nay đã có vắc xin phòng viêm gan A và B, người dân nên đến các trung tâm y tế dự phòng của thành phố hoặc quận huyện để được tư vấn và tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch.
“Đối với việc ăn uống, mọi người nên nấu chín thức ăn và ăn khi còn nóng để hạn chế tổn thương cho gan. Bởi nếu sử dụng thực phẩm sống, tái như gỏi cá sống, tiết canh… là yếu tố gây bệnh. Bên cạnh đó, khi rửa rau và trái cây phải dùng nước sạch, tốt nhất là dưới vòi nước chảy. Đặc biệt, chúng ta cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã cho em bé, trước khi nấu ăn và trước khi ăn. Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, bản thân mỗi người cần tránh lạm dụng rượu bia và thuốc. Ngoài ra, không dùng chung bơm kim tiêm và các vật dụng cá nhân như bàn chải răng, dao cạo, kim xăm thẩm mỹ… với người khác do việc này làm tăng khả năng lây bệnh.
Để ngăn ngừa bệnh viêm gan siêu vi B lây truyền từ mẹ sang con, người mẹ cần đi khám và làm xét nghiệm sàng lọc vi rút viêm gan B trong quá trình mang thai. Trường hợp mẹ bị nhiễm vi rút viêm gan B, trẻ sơ sinh sẽ được tiêm đồng thời vắc xin viêm gan B và globulin miễn dịch viêm gan B (HBIG) trong vòng 24 giờ sau sinh để phòng lây nhiễm. Ngoài ra, sau khi sinh người mẹ sẽ cần có chế độ chăm sóc khác cho bé. Điều này nhằm hạn chế vi rút từ mẹ xâm nhập sang con. Ngoài ra, để phát hiện sớm bệnh viêm gan B, C, mọi người cần phải định kỳ 6 tháng đi khám và xét nghiệm sàng lọc viêm gan B, C” – bác sĩ Lan Phương đưa ra lời khuyên.