Loét do tì đè hay loét áp lực là vết loét sinh ra do điều kiện giữ nguyên tư thế ở một vị trí cố định trong một khoảng thời gian dài, thường do nằm viện lâu vì một bệnh lý nặng hay mạn tính.
Nguyên nhân gây ra các vết loét là do thiếu máu đến nuôi dưỡng do áp lực tì đè. Các yếu tố có khả năng quyết định mức độ tổn thương loét do tì đè bao gồm lực ma sát tại chỗ, độ ẩm da, cảm giác đau của người bệnh, khả năng chăm sóc người bệnh và tình trạng dinh dưỡng dành cho bệnh nhân. Các vị trí dễ xuất hiện loét do tì đè là vùng xương cùng cụt, mắt cá chân, gót chân, xương chẩm, ...
Loét áp lực đơn thuần không mang lại quá nhiều nguy hiểm, tuy nhiên các biến chứng do nó gây ra có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh như viêm xương tủy xương, nhiễm trùng máu, sốc nhiễm trùng hay suy kiệt, và làm tăng thời gian nằm viện.
Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM khuyến cáo, đối với các tổn thương nông như đỏ da, trợt da, loét nông (độ 1), người bệnh có thể chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn của nhân viên y tế để không bị tổn thương thêm và đảm bảo sự phục hồi toàn vẹn của da.
Với các tổn thương sâu hơn, nhiều dịch tiết, tình trạng viêm, nhiễm trùng thì cần được điều trị, chăm sóc tại bệnh viện với các liệu pháp và băng gạc phù hợp.
Để các tổn thương sớm lành và hạn chế nguy cơ tái loét, người bệnh cần được chăm sóc như sau: Không tì đè lên vùng da đang tổn thương; Kiểm tra da mỗi ngày, phát hiện sớm nhất các vùng đỏ da, trợt da; Xoay trở thường xuyên, ít nhất là 2 tiếng/lần, tốt nhất mỗi 45 phút.
Sau mỗi ca xoay trở, nên có ghi nhận rõ ràng, chi tiết. Ví dụ nghiêng phải - nằm ngửa - nghiêng trái - nằm sấp; Sử dụng nệm hơi, thay đổi áp lực tự động; Xoa bóp da 3 – 4 lần/ngày nhằm tăng tưới máu, lưu ý các vị trí tì đè như vùng cùng cụt, gót chân, mắt cá chân, khuỷu tay, vùng chẩm, vai…