Bác sĩ Bùi Gio An (Khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.Hồ Chí Minh), cho biết: "Rối loạn nhịp tim là phổ biến và thường vô hại. Tuy nhiên, một số rối loạn nhịp tim có thể gây khó chịu và thậm chí đe dọa tính mạng. Tỷ lệ các loại rối loạn nhịp như sau: rung nhĩ (1 - 2%), nhịp nhanh trên thất (1 - 2/1000)…. Tim bình thường có tần số từ 60 - 100 lần/phút, nếu vượt ngoài tần số trên được xem là rối loạn nhịp tim. Rối loạn nhịp tim bao gồm hai loại là rối loạn nhịp tim nhanh (tần số tim lớn hơn 100 lần/phút) và rối loạn nhịp tim chậm (tần số nhỏ hơn 60 lần/phút).
Khi trẻ em có những biểu hiện như: khó thở hoặc thở khò khè, yếu, chóng mặt, hoa mắt, ngất hoặc khóc, co giật không bú hoặc khó chịu... các bậc cha mẹ nên đưa con đi kiểm tra ở các cơ sở y tế. Tùy vào mức độ rối loạn mà các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị chủ yếu là dùng thuốc, can thiệp tim mạch hoặc phẫu thuật".
Theo bác sĩ Bùi Gio An, nguyên nhân của rối loạn nhịp tim là do máu cung cấp cho tim không đủ; mô tim hư hỏng; sẹo của mô tim (như từ một cơn đau tim); bệnh tim; tim bẩm sinh...
Mỗi trẻ mắc chứng rối loạn nhịp tim sẽ có thời điểm biểu hiện bệnh khác nhau. Để phát hiện ra bệnh nhân mắc chứng, các bác sĩ có thể nghe nhịp tim hoặc đo điện tim. Đo điện tim mang lại kết quả chính xác về những biểu hiện, biến chứng bất thường của bệnh nhân có phải do mắc chứng rối loạn nhịp tim hay không.
Bác sĩ Gio An đưa ra lưu ý đặc biệt: "Đối với bệnh nhi dưới 1 tuổi, khó có thể chỉ định phẫu thuật cho trẻ vì lo ngại trẻ sẽ trở nặng trong giai đoạn hậu phẫu. Trong lúc điều trị bằng phương pháp can thiệp đốt ổ loạn nhịp bằng sóng cao tần, trẻ có thể lên cơn nhịp nhanh liên tục, tím tái nặng và nguy cơ thủng tim do thành tim quá mỏng. Trong phẫu thuật, đối với những ca bệnh nhi phải dùng dụng cụ siêu nhỏ và dùng kỹ thuật đốt với đường vào tối thiểu nhằm tránh tổn thương mạch máu".
Chia sẻ về phương pháp điều trị chứng rối loạn nhịp tim, bác sĩ Gio An cho hay: "Điều trị bằng phương pháp dò điện sinh lý tim và can thiệp đốt thành công các bệnh nhân rối loạn nhịp tim sẽ không cần sử dụng thuốc suốt đời. Tuy nhiên các bác sĩ khuyến cáo, điều trị bằng phương pháp dò điện sinh lý tim và can thiệp đốt ổ loạn nhịp bằng sóng cao tần là phương pháp cuối cùng tức là điều trị bằng thuốc không còn tác dụng.
Đối với bệnh nhi rối loạn nhịp tim thường được chỉ định bằng thuốc. Bệnh nhân có cơ hội khỏi bệnh hoàn toàn sau khi sử ụng thuốc một năm. Nếu bệnh nhân mắc chứng tim bẩm sinh, rối loạn nhịp tim nặng và điều kiện phẫu thuật có thể được chỉ định can thiệp. Tuy nhiên đây là phương pháp có khả năng để lại biến chứng sau phẫu thuật".
Ngoài ra các bác sĩ khuyến cáo, bệnh liên quan đến tim là chứng bệnh nguy hiểm khi trẻ tham gia câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp. Đối với những trẻ có dự định chơi thể thao chuyên nghiệp, câu lạc bộ thể thao, thi đấu... cha mẹ cần đưa trẻ đi khám sức khỏe toàn diện. Nếu phát hiện trẻ mắc chứng bệnh phải hạn chế vận động mạnh như các vận động viên thể thao thì chúng ta tránh được những hậu quả đáng tiếc.