Trên lâm sàng, huyết áp thấp phân thành sáu loại cơ bản là huyết áp thấp nguyên phát, huyết áp thấp tư thế, huyết áp thấp thai kỳ, huyết áp thấp sau ăn, hạ huyết áp qua trung gian thần kinh (neurally mediated hypotension - NMH), huyết áp thấp triệu chứng.
Dấu hiệu của bệnh
Chia sẻ về dấu hiệu mắc bệnh, bác sĩ Lại Lan Phương (Trưởng khoa Tim mạch và Nội tiết, Bệnh viện Y học Cổ truyền Bộ Công an) cho biết: “Nếu huyết áp thấp nhưng không kèm theo bất kỳ triệu chứng nào thì không cần thiết phải lo lắng. Một số người khỏe mạnh tập thể dục thường có xu hướng bị huyết áp thấp. Vì huyết áp thấp chỉ nguy hiểm khi kèm theo các triệu chứng”.
Huyết áp giảm đột ngột có thể dẫn đến thiếu máu cung cấp cho các cơ quan quan trọng, đặc biệt là não, tim, thận. Thể tích máu giảm là nguyên nhân gây suy giảm chức năng đa cơ quan. Bệnh nhân bị huyết áp thấp thường có một số triệu chứng nghiêm trọng như: ngất, sốc tuần hoàn và trụy mạch.
Các triệu chứng huyết áp thấp xảy ra khi lượng máu cung cấp cho não giảm. Theo đó, các triệu chứng thường gặp bao gồm bệnh nhân có cảm giác hoa mắt hoặc chóng mặt, đau đầu dữ dội hoặc mê sảng, ngất/xỉu, thiếu tập trung, mờ mắt, buồn nôn, da lạnh, ẩm hoặc nhợt nhạt, nhịp thở nhanh, mệt mỏi, trầm cảm, cảm giác khát, bác sĩ Lan Phương thông tin thêm.
Khi đột ngột xuất hiện các triệu chứng trên, người bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ khám và tìm nguyên nhân gây bệnh để điều trị kịp thời.
Khuyến cáo dành cho người bệnh
Chia sẻ về những thói quen sinh hoạt dành cho người bệnh, bác sĩ Lan Phương cho hay: “Những thói quen sinh hoạt có thể giúp người bệnh hạn chế diễn tiến của huyết áp thấp, nhưng người bệnh chỉ thực hiện sau khi đi khám bác sĩ.
Thứ nhất, người bệnh đứng dậy chậm và để cho cơ thể có thời gian thích ứng. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn thức dậy vào buổi sáng, người bệnh hãy nằm trên giường 1-2 phút. Sau đó hãy từ từ ngồi dậy và ngồi tại mép giường thêm 2 phút nữa. Tiếp đó xoay chân ở cạnh giường và đứng yên thêm 2 phút nữa rồi mới bắt đầu những việc bạn định làm. Khi bạn đứng lên, phải chắc chắn rằng bạn có một điểm tựa nào đó để bám vào trong trường hợp bắt đầu cảm thấy chóng mặt”.
Bên cạnh đó, chế độ ăn hàng ngày đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của mỗi người. Những người bệnh hoặc có biểu hiện của huyết áp thấp lại cần chú ý vấn đề ăn uống hơn cả. Họ cần chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, duy trì các bữa chính nhỏ có hàm lượng carbohydrate thấp và bổ sung các bữa ăn nhẹ giữa các bữa chính sẽ có tác dụng làm tăng huyết áp cho nhóm người bị hạ huyết áp sau ăn no.
Ăn mặn hơn bình thường trong một khoảng thời gian để giúp cơ thể cân bằng huyết áp. Việc ăn mặn cũng giúp cho quá trình giữ nước cho cơ thể được tốt hơn. Tuy nhiên, ăn mặn thường xuyên sẽ không tốt.
Ngoài ra, người bệnh cần ăn đầy đủ, không bỏ bữa, đủ các nhóm chất và đặc biệt không kết hợp các thực đơn ăn kiêng. Không chỉ chế độ ăn mà thói quen và lượng nước nạp vào cơ thể cũng uống nước cũng hạn chế diễn tiến của huyết áp thấp. Do đó, mỗi ngày cơ thể cần nạp đủ 2 lít nước, trong những đợt nắng nóng cao điểm có thể tăng lên tới 3 lít. Ngoài ra, người bệnh cũng nên bổ sung sắt theo chỉ định của bác sĩ hoặc nhân viên y tế.
Cà phê hay trà là lựa chọn tốt trong điều trị bệnh huyết áp thấp do đó người bệnh có thể thêm cà phê vào cho chế độ ăn uống. Nó có tác dụng giúp lưu thông máu, nhất là dùng cùng với bữa ăn.
Ngoài cà phê và trà, rễ cam thảo được xem là phương thuốc thảo dược tốt để điều trị bệnh huyết áp thấp. Thảo dược này có tác dụng hỗ trợ chức năng tuyến thượng thận và điều hòa huyết áp. Người bệnh có thể dùng dưới dạng viên nang, viên nén, dạng bột và dạng trà. Trong trường hợp đang uống thuốc làm loãng máu, kali hoặc thuốc hạ huyết áp, nên được bác sĩ tư vấn trước khi dùng cam thảo để đảm bảo an toàn sức khỏe.