Theo bác sĩ CK2 Yến Loan cho biết: “Loét vùng xương cụt do tì đè thường gặp ở bệnh nhân bệnh phải nằm lâu, không có khả năng cử động, không có khả năng thay đổi tư thế.
Do đó sức nặng của cơ thể sẽ đè lên vùng xương cụt khiến chèn ép hệ lưu thông của máu dẫn đến tình trạng xung huyết, lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng bị loét do kém nuôi dưỡng.
Ở những bệnh nhân thường có tình trạng đại tiểu tiện không tự chủ sẽ làm cho vùng xương cụt và luôn bị ẩm ướt, bẩn bởi những chất bài tiết của bệnh nhân. Điều này tạo điều kiện phát triển nấm, dẫn đến tình trạng loét ngoài”.
Nói về biểu hiện của loét vùng xương cụt và vết loét sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, bác sĩ Yến Loan cho biết, vết loét vùng xương cụt do tì đè chia thành 4 mức độ.
Mức độ 1, vùng da chỗ tì đè bị đỏ, xung huyết và không biến mất sau khi ấn tay vào.
Mức độ 2, vết thương màu hồng không có mô hoại tử.
Mức độ 3, tổn thương toàn bộ lớp da có thể xuất hiện lỗ rò.
Mức độ 4, tổn thương sâu dưới lớp cơ có mô hoại tử màu đen. Các loại vi trùng, vi khuẩn có độc lực mạnh ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Chia sẻ về cách điều trị và chăm sóc vùng loét xương cụt do tì đè, bác sĩ Yến Loan cho biết: “Người nhà không nên tự ý mua những loại thuốc bôi khi chưa có sự kê đơn của bác sĩ. Để đề phòng trường hợp bị loét xương cụt do bị tì đè, người nhà nên xoay trở người bệnh 30 phút một lần.
Xoa bóp những vùng bị tì đè ba đến bốn lần một ngày. Giữ da vùng xương cụt luôn khô thoáng. Vải trải giường cần khô, sạch, không có nếp gấp, tránh để da tiếp xúc vào đệm.
Người nhà bệnh nhân có thể tham khảo các giải pháp chăm sóc giúp bảo vệ xương cụt như sử dụng tã dán có thiết kế mềm mại, thấm hút nhanh để bảo vệ vùng xương cụt”.