5G thúc đẩy sự “thông minh”
Việc giúp hoàn thiện hóa hệ thống tự động tại các nhà máy đồng nghĩa với việc 5G thúc đẩy sản xuất thông minh, trở thành một phần quan trọng của Công nghiệp 4.0.
Theo đó, với sự phát triển của 5G, nhiều ứng dụng đã, đang, và sẽ được triển khai. Cùng với 5G, công nghệ AI (trí thông minh nhân tạo) còn giúp các nhà máy có thể phân tích số lượng dữ liệu lớn (Big Data) một cách nhanh chóng, đơn giản hoá quá trình làm việc và đưa ra quyết định, quản lí hiệu quả.
Bên cạnh sản xuất công nghiệp, về mặt đô thị hóa là thành phố thông minh, cũng sẽ cần đến sức mạnh của 5G. Điển hình nhất là việc 5G giúp tạo ra sự kết nối và liên lạc nhanh chóng và hiệu quả giữa hệ thống giao thông với các phương tiện (máy bay, tàu, ôtô, xe máy…), giúp các phương tiện giao tiếp với cơ sở hạ tầng giao thông (như đèn tín hiệu, các khu vực cảnh báo…) và người dân thông qua điện thoại trong tay kết nối 5G. Điều này sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn, tăng sự an toàn cho người tham gia giao thông, rút ngắn quãng đường di chuyển, giảm thiểu ùn tắc và phát thải vì sử dụng nhiều nhiên liệu...
Trong các đô thị thông minh, những tòa nhà cũng được vận hành và quản lí thông minh giúp tiết kiệm năng lượng, tạo ra môi trường sạch, xanh.
Việt Nam nên ứng dụng 5G vào những ngành rộng hơn
Theo ông ST Liew, Việt Nam vốn đã có sẵn nền tảng 4G rất tốt, từ đó có thể phát triển mạng 5G nhanh chóng dùng cách tiếp cận DSS (Dynamic Spectrum Sharing) dựa trên cơ sở hạ tầng mạng 4G sẵn có.
Tại Việt Nam, Qualcomm hiện có các đối tác là Viettel và VNPT đã thử nghiệm thành công cuộc gọi 5G đầu tiên trong năm 2019. Trong thời gian đầu, Việt Nam cũng giống như nhiều quốc gia trên thế giới, có thể triển khai cục bộ 5G tại đô thị thông minh hoặc các khu công nghiệp, đây chính là tiền đề để tạo ra đột phá trong cuộc cách mạng 4.0.
Ngoài hai nhà mạng Viettel và VNPT, liên quan đến 5G Qualcomm còn có hợp tác với các nhà sản xuất điện thoại như VinSmart, Bkav và sản xuất thiết bị IoT (Internet of Things – Internet kết nối vạn vật) là Homa Techs, được cụ thể hóa bằng việc kí kết thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế thiết bị đầu cuối đa chế độ hoàn chỉnh, hỗ trợ đào tạo kĩ sư về cách điều chỉnh camera trên smartphone, hỗ trợ AI cho các bộ vi mạch điện tử để phát triển và thương mại hóa các thiết bị IoT…
Ngày nay, các thiết bị IoT gắn liền chặt chẽ với việc phát triển đô thị thông minh. Từ những vật dụng gia đình như cửa, rèm, hệ thống đèn điện, chiếu sáng cho đến thiết bị an ninh như camera, các loại cảm biến… sẽ được tích hợp AI và kết nối 5G. Nhờ đó, các vật dụng có thể giao tiếp với nhau, phân tích các dữ liệu để đưa ra quyết định phù hợp theo hướng tự động hóa giúp giảm thiểu nhân công.