Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Châu Âu, đặc biệt là các nước Đông Âu là nơi có cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc từ hàng chục năm tại đây.
Tuy nhiên, đây cũng là thị trường lao động khá khó tính, với yêu cầu thủ tục nhập cảnh vào làm việc chặt chẽ (trình độ tay nghề, kỹ năng, bằng cấp, ngoại ngữ…).
Gần đây, do kinh tế phát triển ổn định, một số nước khu vực Châu Âu thiếu nhân lực trong một số lĩnh vực, nên có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài đến làm việc, trong đó có lao động Việt Nam. Đối với thị trường châu Âu, người lao động có thể đi làm việc hợp pháp qua nhiều hình thức.
Thứ nhất, thông qua doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài: hiện có 37 Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đã và đang triển khai thực hiện các hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở 10 nước thuộc Châu Âu với khoảng 4.500 người, chủ yếu ở các nơi (Rumani, Ba lan, CH Sip, Slovakia, Thổ nhĩ Kỳ, Litva, Liên bang Nga…). Trong đó có các nghề: Hàn, xây dựng, cơ khí, điện tử, chế biến thực phẩm, chế biến gỗ, may mặc, nông nghiệp… với mức lương trung bình khoảng 700 - 1.000 USD/tháng, tùy theo từng ngành nghề, công việc.
Thứ hai, là hình thức hợp đồng cá nhân. Người lao động phải đăng ký hợp đồng cá nhân với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các địa phương và phải được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các địa phương thẩm định và chấp thuận.
Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, trên thực tế thời gian qua vẫn có một bộ phận người di cư trái phép sang các nước Châu Âu. Nguyên nhân do nhu cầu tiếp nhận lao động của các nước này còn hạn chế, trong khi có rất nhiều người lao động mong muốn đến làm việc tại khu vực này hy vọng mức thu nhập cao.
Ngoài ra, người lao động không có đủ các điều kiện tiêu chuẩn về nghề nghiệp và ngoại ngữ, tâm lý muốn được đi nhanh, không muốn mất thời gian chờ đợi, học nghề, ngoại ngữ, làm thủ tục theo quy định để được đi làm việc ở nước ngoài; hy vọng có mức thu nhập cao; nghe theo lời dụ dỗ, hay các thông tin không trung thực của các tổ chức, cá nhân môi giới, không có chức năng đưa người đi làm việc ở nước ngoài.
Vì vậy, người lao động không lường trước được những hậu quả, rủi ro và nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình di cư bất hợp pháp.
"Cần đi làm việc ở nước ngoài bằng con đường hợp pháp thì mới an toàn và hiệu quả. Di cư lao động hợp pháp có nghĩa là phải ký hợp đồng lao động với người sử dụng lao động; phải đăng ký đi làm việc ở nước ngoài với cơ quan quản lý lao động ở VN; phải được chính quyền nước tiếp nhận cấp visa và giấy phép lao động hợp pháp", đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước nói.