Đến thăm cơ sở sản xuất gốm của chàng thanh niên Phạm Văn Vang tại làng Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, Ninh Bình vào những ngày giáp Tết được nghe anh kể về hành trình khôi phục gốm Bồ Bát với bao khó khăn vất vả. Theo anh Vang, nghề gốm cổ Bồ Bát bắt nguồn từ làng Bạch Bát – Bồ Xuyên, trấn Thanh Hoa thuộc Ái Châu xưa, nay là làng Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Theo sử sách ghi lại, làng gốm Bồ Bát (thời đó thuộc phủ Trường Yên) đã nổi danh từ thế kỷ thứ X với những sản phẩm gốm sắc trắng độc đáo do các thợ tài hoa của làng sáng tạo nên. Vào năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long thì nghề gốm ở Bồ Bát cũng mai một dần và chìm vào quên lãng.

Năm 2005, sau khi tốt nghiệp THPT, anh rời quê lên Bát Tràng (Hà Nội) để học nghề gốm, với mong muốn sau này sẽ quay về làng để khôi phục lại nghề gốm. “Tôi học nghề ở Bát Tràng được khoảng 3 năm thì lại lên Bắc Giang làm trong một xưởng gốm sứ xuất khẩu, tại đây tôi đã học hỏi được những kinh nghiệm trong kỹ thuật vẽ các họa tiết hoa văn tranh cổ và những yêu cầu quy chuẩn của đồ gốm xuất khẩu. Đến năm 2010, tôi trở về làng để mở xưởng gốm và bắt đầu hành trình phục dựng lại nghề gốm cổ của quê hương đã bị thất truyền” – anh Vang chia sẻ.

Ban đầu khi mới mở xưởng phải đối mặt với vô số những khó khăn, đặc biệt là về vốn. Anh Vang nhớ lại: Lúc bấy giờ số tiền tích lũy bao năm đi làm thuê cũng chỉ đủ để xây dựng xưởng, tiền thuê nhân công và chi phí vật liệu vẫn là quá nhiều với điều kiện của anh lúc bấy giờ. Anh quyết định mang toàn bộ tài sản nhà cửa ông bà để lại đi thế chấp để vay ngân hàng. Sau khi được ngân hàng cho vay hơn 100 triệu anh đầu tư để mua các trang thiết bị phục vụ cho việc sản xuất gốm và đưa một số người ra Bát Tràng để học nghề.
“Điều thuận lợi duy nhất khi bắt tay vào xây dựng xưởng gốm lúc bấy giờ đấy chính là nguồn nguyên liệu. Trên địa bàn xã Yên Thành có loại đất sét Bồ Di, còn gọi là đất non sương rất quý hiếm. Loại đất này có đặc điểm tạo nên dòng men trắng số 1 hiện nay và chỉ cần nung 50-70% thời gian so với các loại đất khác nhưng vẫn bảo đảm chất lượng về độ mịn, cứng, sau khi nung sản phẩm ít bị nứt, vỡ hơn so với các loại đất sét khác. Sản phẩm làm ra có chất lượng cao, men gốm dày, trắng và có độ sâu, độ bền cơ học tốt, giá thành hợp lý nên đã được thị trường đón nhận” – anh Vang chia sẻ.
Anh Vang cho rằng, làm được thành phẩm gốm hoàn chỉnh mới chỉ đi được nửa đường, để đưa được sản phẩm đến với người tiêu dùng là cả một quá trình gian nan. Trong giai đoạn đầu, anh phải tự mình đi khắp các tỉnh thành để chào hàng, ký gửi sản phẩm. Từ Bắc vào Nam, các hội chợ, gian hàng gốm sứ, không có nơi nào anh không thử, tất cả là để có cơ hội giới thiệu gốm Bồ Bát đến với người tiêu dùng.
Bằng tình yêu và sự đam mê, người nghệ nhân tài hoa Phạm Văn Vang đã phục dựng lại được nghề gốm gia truyền của quê hương sau hàng trăm năm chìm vào quên lãng. Đến nay, nghề gốm Bồ Bát được hồi sinh, thương hiệu ngày càng được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến. Vào năm 2010, sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng này đã được tỉnh Ninh Bình chọn đi dự hội chợ triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội Việt Nam và Thăng Long - Hà Nội” chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội; nhiều sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Ninh Bình năm 2012; đặc biệt năm 2015 sản phẩm gốm Bồ Bát được Bộ Công Thương vinh danh trong Lễ công bố và tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia 2015.

Hiện sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, công nhân có việc làm không xuể, anh Vang phải thuê thêm nhân công và mở rộng xưởng, từ một xưởng sản xuất với vài trăm mét vuông giờ đây đã được mở rộng gần 2.000m2, với gần 100 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 8.000.000 đồng – 12.000.000 đồng/người.