Trong tập mới nhất của "Nông dân xin chào", khán giả được lắng nghe câu chuyện của nông dân Nguyễn Văn Dũng. Ông được mệnh danh là "vua sáng chế" miền Tây với nhiều sáng chế nông cụ phục vụ cho nông nghiệp.
Hiện tại, nông dân Nguyễn Văn Dũng là chủ nhiệm câu lạc bộ nông dân sáng tạo Nông Phú - An Giang và là một trong 17 cá nhân tiêu biểu của cả nước được Bộ nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vinh danh năm 2016.
Từ nhỏ, nông dân Nguyễn Văn Dũng đã có niềm đam mê với những loại máy móc. Chính vì thế, khi làm bất cứ việc gì ông luôn suy nghĩ về việc phải tạo ra một loại máy móc phục vụ cho nông nghiệp, có thể đạt được hiệu quả gấp 3-4 lần.
Từ năm 2010 đến nay, ông đã sáng chế ra hơn 20 sản phẩm bao gồm các sản phẩm đem đi dự thi và phục vụ cho nông dân. Trong đó máy đánh rãnh thoát nước và máy hút rác là 2 sáng chế nổi bật nhất của ông. Bên cạnh đó, ông Dũng còn nhiều sáng chế khác như máy cắt đậu bắp, xe phun thuốc bảo vệ thực vật, xe chữa cháy mini, máy hút bụi gỗ,...
Nông dân Nguyễn Văn Dũng chia sẻ: “Tâm của tôi làm là để phục vụ. Nếu có những nguồn quỹ quốc gia nào đó muốn hỗ trợ cho người nông dân sáng tạo thì một là trả vốn chậm. Còn các nhà đầu tư mang tính thương mại thì thú thật là tôi không nhận”.
Vì lẽ đó, các sáng chế của ông được bán ra với giá thành rẻ. “Tôi là nông dân, trong cuộc sống đã khó khăn rồi, cơ duyên ông trời cho tôi tính đam mê và tạo ra được giải pháp thì tôi sẽ không làm khó cho nông dân mình nữa. Tôi chỉ làm bằng giá lao động của một nhân viên cơ khí”, ông Dũng nói.
Cũng trong tập này, nông dân trẻ Đoàn Ngọc Lợi đến từ thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang chia sẻ câu chuyện thành công khi mang cây dâu tằm Đà Lạt trồng tại Tân Châu. Hiện tại anh là giáo viên phụ trách Đội tại trường THCS Phú Lộc thuộc tỉnh An Giang.
Ban đầu, anh Đoàn Ngọc Lợi cũng gặp khá nhiều khó khăn. Năm 2014, anh thấy được tiềm năng của cây dâu tằm Đà Lạt và những công dụng mà cây dâu tằm này mang lại nên đã quyết định mang về trồng thí nghiệm ở mảnh đất An Giang.
Anh đã tự mày mò tìm những loại phân, chế độ nước, chế độ dinh dưỡng. Sau những giờ làm việc tại trường học, anh Ngọc Lợi dành thời gian còn lại cho khu vườn của mình.
Đến ngày hôm nay số lượng cây trồng của anh Lợi đã nhân rộng và tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ cho người dùng như mứt dâu, siro dâu và nước cốt dâu.
“Hướng ban đầu là vì sức khỏe của cộng đồng, làm ra sản phẩm sạch, an toàn, tốt cho sức khỏe. Đó là động lực để tôi tạo ra và nghiên cứu một số sản phẩm để phục vụ cho mọi người”, nông dân Ngọc Lợi chia sẻ.