Điều dưỡng Huỳnh Thị Hân – Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thông tin, bệnh về tai bao gồm viêm tai ngoài và viêm tai giữa. Tuỳ vào từng bệnh cụ thể mà có các triệu chứng, cách điều trị, chăm sóc khác nhau.
Những điều cần biết về viêm tai ngoài
Viêm tai ngoài là viêm da ống tai. Những nguyên nhân gây viêm tai có thể là virus, vi trùng hoặc nấm. Đó cũng có thể là phản ứng dị ứng của da ống tai. Người bệnh viêm tai ngoài thường đau nhức, ngứa, chảy nước ở tai. Trường hợp nặng hơn còn dẫn đến giảm thính lực.
Để điều trị dứt điểm viêm tai ngoài, bác sĩ sẽ khám và lau tai sạch cho người bệnh. Những trường hợp viêm tai nhẹ, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc nhỏ tai. Khi viêm tai nặng, bác sĩ sẽ cho người bệnh dùng kháng sinh.
Điều quan trọng là bệnh nhân phải giữ tai khô, tránh để nước vào tai khi tắm hoặc gội đầu. Không bơi lội cho đến khi bác sĩ cho phép.
Những điều cần biết về bệnh viêm tai giữa
Viêm tai giữa là nhiễm trùng trong tai giữa. Đây là kết quả của nhiễm trùng hoặc nhiễm virus ở mũi và họng rồi lan đến vòi Eustache. Viêm tai giữa cấp có thể gây đau nhức dữ dội trong tai, sốt và thường kèm theo ù tai. Nếu màng nhĩ bị thủng thì bệnh nhân có thể chảy mủ tai.
Để điều trị căn bệnh này, người bệnh sẽ được bác sĩ cho dùng thuốc kháng sinh và giảm đau. Nếu cần, bác sĩ sẽ rửa tai cho người bệnh và cho thuốc kháng sinh nhỏ vào tai nếu có mủ trong tai.
Tương tự như viêm tai ngoài, người mắc bệnh viêm tai giữa cũng được yêu cầu giữ khô tai và không được bơi lội cho đến khi bác sĩ cho phép.
Nghiêm trọng hơn, viêm tai giữa còn dẫn đến giảm thính lực do thủng màng nhĩ. Trong trường hợp này, bệnh nhân sẽ được vá màng nhĩ nếu màng nhĩ không tự lành hoặc người bệnh bị nhiễm trùng tai tái đi tái lại.