Ngộ độc Botulinum do ăn cá chép muối ủ chua
Mới đây, TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, ngay sau khi nhận được đề nghị hỗ trợ chuyên môn từ Quảng Nam, bệnh viện đã cử các bác sĩ đầu ngành về chống độc, hồi sức hỏa tốc lên đường mang theo thuốc hiếm hỗ trợ cứu chữa người bệnh.
Ê kíp bác sĩ cùng chuyên gia đầu ngành là TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới và BS CKII Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, đã có mặt tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam từ ngày 18.3 và khẩn trương xác định nguyên nhân dẫn tới vụ ngộ độc cho ít nhất 9 bệnh nhân.
Các nạn nhân đầu tiên được ghi nhận vào ngày 16.3 gồm 5 người (3 nữ, 2 nam) ngụ tại xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Khai thác bệnh sử ghi nhận, cả 5 người cùng ăn món cá chép muối ủ chua ngày 15.3, sau khi ăn từ 12 giờ đến 24 giờ, tất cả đều có triệu chứng đau bụng, nôn ói, mệt, yếu dần tay chân. Sau 3 ngày điều trị, 1 bệnh nhân nữ 40 tuổi đã tử vong, 4 ca còn lại tình trạng hiện tại tạm ổn.
Một trường hợp khác là bệnh nhân nữ (37 tuổi) ngụ tại xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn. Bệnh nhân ăn cá chép muối ủ chua ngày 14.3.
Sau 1 ngày, bệnh nhân nôn ói nhiều, yếu dần tay chân, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam. Đến ngày 16.3, bệnh nhân suy hô hấp, hiện phải thở máy.
Chùm ca bệnh còn lại gồm 3 người trong cùng gia đình (3 nam, 1 nữ), ngụ tại xã Phước Kiên, huyện Phước Sơn. Ngày 16.3, cả gia đình ăn cá chép muối ủ chua, đến 17.3, nôn ói nhiều, mệt, được chuyển đến bệnh viện cấp cứu.
Hiện có 2 bệnh nhân liệt tứ chi, suy hô hấp, phải thở máy, 2 bệnh nhân còn lại (1 bé trai 12 tuổi và 1 nữ 24 tuổi) mệt đừ, yếu nhẹ tứ chi, tự thở được.
Thuốc giải độc khi nhiễm Clostridium botulinum rất hiếm
Trước vụ ngộ độc botulinum do ăn cá chép muối ủ chua ở Quảng Nam đã từng ghi nhận các vụ ngộ độc botulinum do ăn Pate Minh Chay khiến hàng chục người phải nhập viện xét nghiệm, điều trị; hay như vụ ngộ độc botulinum ở Bình Dương, nhiều người được xác định ngộ độc do ăn phải patê chay chứa độc tố Clostridium Botulinum, có trường hợp tử vong...
Đây thực sự là loại độc tố gây nên nỗi ám ảnh lớn vì nguy cơ tử vong cao, ảnh hưởng sức khỏe nặng nề trong khi nguồn thuốc giải độc lại hiếm.

Các chuyên gia nhận định, quá trình chế biến muối chua, cá chép được bỏ vào hộp thủy tinh đóng kín sau 2-3 tuần mới lấy ra ăn, tạo điều kiện yếm khí cho vi khuẩn Clostridium Botulinum phát triển.
Botulinum là độc tố thần kinh cực mạnh, triệu chứng thường gặp là đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân.
Cuối cùng, bệnh nhân khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp. Các triệu chứng này xuất hiện sau 12-36 giờ, thậm chí lâu hơn, tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.
Các trường hợp ngộ độc trên sau chưa đầy 24 giờ ăn xuất hiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa làm yếu tứ chi tăng dần, ca suy hô hấp là do liệt cơ.
Bệnh nhân ngộ độc nặng thường phải thở máy trung bình hai tháng hoặc hơn, mất nhiều tháng để phục hồi và có thể gặp nhiều biến chứng. Nếu không điều trị kịp thời có thể tử vong, liệt không hồi phục.
Về mặt dịch tễ, ba nhóm bệnh nhân trên ngụ ở ba xã, cách nhau dưới 100 km, ngộ độc trong khoảng thời gian tương đương nhau, món ăn gây ngộ độc không cùng một cơ sở sản xuất.
Do đó, các chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị nhà chức trách Quảng Nam tìm nguồn nhiễm, cảnh báo người dân trên địa bàn và ngăn chặn khả năng có thêm người bị ngộ độc.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân không ăn món chế biến liên quan món cá chép làm chua; không sử dụng thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ, côn trùng.
Người dân cần chế biến đảm bảo an toàn đối với sản phẩm mang tính truyền thống, tập quán của địa phương; tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng. Không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng...