Sau khi ăn cá chép, bà M.H.P (64 tuổi) bị đau họng, nuốt khó. Bà P đi khám tại 3 phòng khám và 2 bệnh viện, được nội soi và chụp CT vùng cổ nhưng không tìm thấy xương cá, uống thuốc không giảm. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, sau khi chụp X-quang cột sống cổ nghiêng, nghi ngờ có dị vật vùng mặt sau sụn nhẫn, bà P được chỉ định chụp thêm CT-scan 128 lát cắt vùng cổ. Kết quả phát hiện một vật hình que dài khoảng 3 cm đâm xuyên thành sau hạ họng vào lớp cơ cổ bên; có thâm nhiễm mỡ và ít dịch xung quanh dị vật.
Theo ThS.BS Trần Thị Thúy Hằng - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, vị trí hóc xương cá ở sâu (ngang miệng thực quản đi xuống), lại nằm ngay phía sau sụn nhẫn nên khó phát hiện. Hình dạng xương cá dài nhưng mỏng, chụp CT cắt lớp dày có thể bỏ sót dị vật. Khi phát hiện vào ngày thứ 5, vùng cổ trái bệnh nhân đã bị viêm, áp xe.
Ekip bác sĩ phải tiến hành mổ mở đường cổ, bóc tỉ mỉ từng lớp cấu trúc cổ để tìm xương cá từ bên ngoài, đẩy xương vô trong, sau đó nội soi họng - thanh quản gắp xương. Vùng mô gần thực quản sưng nề, tụ mủ, được hút dẫn lưu mủ và rửa sạch hố mổ. Sau phẫu thuật, bà P bớt đau vùng cổ, được nuôi ăn qua sonde dạ dày, điều trị kháng sinh, kháng viêm trong 5 ngày nằm viện. 1 tuần sau tái khám, sức khỏe của bệnh nhân hồi phục hoàn toàn.