Nhau cài răng lược: Bệnh lý đe dọa tính mạng mẹ và con

Kim Đồng |

Nhau cài răng lược là một bệnh lý nguy hiểm, có khả năng đe dọa tính mạng của cả mẹ và thai nhi nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời. Được biết, yếu tố nguy cơ của bệnh là trên các vết mổ lấy thai cũ, mổ nhiều lần thì nguy cơ càng cao và các trường hợp sinh nhiều hoặc có tiền căn nạo phá thai nhiều lần.

Sản phụ bị nhau cài răng lược phức tạp

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Nhật Thăng - Trưởng Khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh cho biết, mới đây, bệnh viện đã phối hợp liên chuyên khoa giữa Khoa Phụ sản, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Khoa Tiết niệu, Khoa Gây mê hồi sức,... để thực hiện phẫu thuật thành công cho một sản phụ bị nhau cài răng lược. Ca bệnh được đánh giá khó và có chỉ định mổ bắt con, cắt tử cung. Nguy cơ chảy máu nhiều và có thể bị tổn thương cơ quan lân cận trong lúc mổ.

Trường hợp trên là sản phụ L.T.X.L (35 tuổi, ngụ Bạc Liêu), đã có 2 lần mổ lấy thai trước đây. Ở tuần thai thứ 29, sản phụ đi khám thai tại địa phương thì phát hiện nhau tiền đạo bám vào vết mổ lấy thai cũ có khả năng cài răng lược trên vết mổ cũ. Sản phụ L sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh điều trị. Tại đây, thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Kiều Dung - Khoa Phụ sản bệnh viện đã trực tiếp theo dõi thai kỳ đến tuần thứ 35. Lúc này, nhau đã xâm lấn đến bàng quang, thai phụ bị đau trằn rất khó chịu. Gần sang đến tuần thứ 36, đánh giá khả năng sống sau sinh của thai nhi tốt nên các bác sĩ phối hợp liên chuyên khoa để phẫu thuật mổ bắt con. “Thai phụ có vết mổ cũ 2 lần, khi bắt đầu thai kỳ cũng không đi khám thai nên lúc biết nhau bám vào vết mổ cũ thì đã quá trễ. Nhau bám vào vết mổ cũ dẫn đến tình trạng nhau cài răng lược - bánh nhau xuyên qua lớp cơ tử cung. Nguy hiểm hơn, sản phụ này bị nhau cài răng lược thể nặng, xuyên hết lớp cơ tử cung và bắt đầu xâm lấn ra tới bàng quang, vào tới lớp cơ bàng quang”, thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Kiều Dung nói.

Cũng theo các bác sĩ, thông thường với nguy cơ nhau cài răng lược, các mạch máu tăng sinh nhiều, khi mổ nhau không tróc ra được khỏi tử cung, cơ tử cung không co thắt được, vì vậy nguy cơ chảy rất nhiều máu. Ở những ca mổ như vậy, việc phải truyền một khối lượng máu rất lớn lên tới 4 đến 5 lít máu kèm theo 2 đến 3 lít các chế phẩm của máu sẽ rất thường xảy ra. Về mặt chẩn đoán hình ảnh học, các bác sĩ hội chẩn nghi ngờ có tổn thương ảnh hưởng tới một phần bàng quang rất nguy hiểm. Ngoài nguy cơ chảy máu nhiều còn là nguy cơ tổn thương bàng quang hoặc niệu quản trong lúc phẫu thuật.

Cứu sản phụ bị nhau cài răng lược

Theo các bác sĩ, quá trình mổ càng kéo dài càng gia tăng lượng máu mất lẫn biến chứng hậu phẫu. Tử cung khi có nhau cài răng lược chủ yếu sẽ được cấp máu từ động mạch chậu trong hai bên. Do đó, phải dùng kỹ thuật chèn bóng vào động mạch chậu trong, từ đó giảm phần lớn máu đến vùng phẫu thuật, giúp cuộc mổ mất máu ít hơn, giảm thiểu rủi ro cho thai phụ. Thách thức của kỹ thuật này là thực hiện chèn bóng vào thời điểm nào, vì kỹ thuật này cần sự hướng dẫn của tia X, vốn có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Ngoài ra, thời gian giữa 2 quá trình mổ lấy thai và cắt tử cung chỉ cho phép giới hạn trong khoảng 15 đến 20 phút; càng kéo dài, khả năng mất máu càng nhiều, càng nguy hiểm cho tính mạng của người bệnh.

Về bệnh lý trên, bác sĩ Lê Thị Kiều Dung cho biết, yếu tố nguy cơ của nhau cài răng lược là trên các vết mổ lấy thai cũ, càng mổ nhiều lần thì nguy cơ nhau cài răng lược càng cao, bên cạnh đó là các trường hợp sinh nhiều hoặc có tiền căn nạo phá thai nhiều lần… Do đó, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc tự ý lựa chọn ngả sinh con mà không theo chỉ định y khoa phù hợp. Thai phụ nên đi khám sớm để kịp thời phát hiện và có phương án điều trị thích hợp...

Theo bác sĩ Trần Nhật Thăng - Trưởng Khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh, nhau cài răng lược là từ chung dùng mô tả bệnh cảnh lâm sàng khi một phần hay toàn bộ bánh nhau xâm lấn và không thể tách rời khỏi thành tử cung. Thông thường sau khi sanh, bánh nhau sẽ tự tách rời khỏi thành tử cung và được sổ ra ngoài nhưng khi bị nhau cài răng lược, bánh nhau không thể bong khỏi tử cung. Đây là nguyên nhân gây ra các tình trạng băng huyết sau sanh, rối loạn đông cầm máu, thậm chí tử vong cho người mẹ.

Kim Đồng
TIN LIÊN QUAN

Những bệnh thoái hóa hệ thần kinh thường gặp

K'LIỆP |

Nhiều bệnh thoái hóa hệ thần kinh thường gặp ở người lớn tuổi và có đến 10% người bệnh khởi phát dưới tuổi 40, trong đó có bệnh Parkinson. Đối với bệnh này, người bệnh chậm cử động và đơ cứng, khó khăn trong các hoạt động hằng ngày, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bệnh Parkinson nếu không được chẩn đoán và điều trị phù hợp, sau 5 năm đến 7 năm người bệnh sẽ có nguy cơ bị tàn phế.

Phương pháp trao đổi khí giúp cứu sống bé gái hơn 2 tuổi

K.L |

Bác sĩ Chuyên khoa 2 Lê Vũ Phượng Thy - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố cho biết, đơn vị vừa kịp thời cứu sống một bệnh nhi hơn 2 tuổi bị viêm phổi nặng, suyễn và suy hô hấp cấp dẫn đến nguy kịch, bằng phương pháp trao đổi khí không cần tim, phổi.

2 bé gái song sinh dính liền phần gan được xuất viện

Hà Phương |

Ngày 11.10, hai bé sơ sinh dính nhau phần gan đã chính thức xuất viện.

TPHCM: 6.573 ca mắc bệnh tay chân miệng chỉ trong 1 tháng

Hà Phương |

Tính riêng TP.Hồ Chí Minh, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng trong tháng đầu của năm học 2019-2020 tăng gấp 2 lần so với tháng trước.

Những bệnh thoái hóa hệ thần kinh thường gặp

K'LIỆP |

Nhiều bệnh thoái hóa hệ thần kinh thường gặp ở người lớn tuổi và có đến 10% người bệnh khởi phát dưới tuổi 40, trong đó có bệnh Parkinson. Đối với bệnh này, người bệnh chậm cử động và đơ cứng, khó khăn trong các hoạt động hằng ngày, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bệnh Parkinson nếu không được chẩn đoán và điều trị phù hợp, sau 5 năm đến 7 năm người bệnh sẽ có nguy cơ bị tàn phế.

Phương pháp trao đổi khí giúp cứu sống bé gái hơn 2 tuổi

K.L |

Bác sĩ Chuyên khoa 2 Lê Vũ Phượng Thy - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố cho biết, đơn vị vừa kịp thời cứu sống một bệnh nhi hơn 2 tuổi bị viêm phổi nặng, suyễn và suy hô hấp cấp dẫn đến nguy kịch, bằng phương pháp trao đổi khí không cần tim, phổi.

2 bé gái song sinh dính liền phần gan được xuất viện

Hà Phương |

Ngày 11.10, hai bé sơ sinh dính nhau phần gan đã chính thức xuất viện.

TPHCM: 6.573 ca mắc bệnh tay chân miệng chỉ trong 1 tháng

Hà Phương |

Tính riêng TP.Hồ Chí Minh, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng trong tháng đầu của năm học 2019-2020 tăng gấp 2 lần so với tháng trước.