Thông thường trẻ bắt đầu mọc răng từ 6 tháng tuổi. Tuy nhiên răng có thể mọc bất cứ thời điểm nào, từ 3 đến 12 tháng tuổi là bình thường. Đó là quá trình hình thành bộ răng đầu tiên, gọi là răng sữa, răng mọc lên và phá vỡ các nướu răng. Triệu chứng mọc răng có thể bắt đầu khoảng 3-5 ngày trước khi chiếc răng xuyên qua da, gây đau và khó chịu cho trẻ.

Trẻ chảy nhiều nước dãi
Nước bọt tiết ra nhờ cơ chế hoạt động của hệ thống thần kinh trung ương, tại thời điểm bé mọc răng sẽ kích thích dây thần kinh thứ 5 khiến trẻ chảy nước dãi. Do chức năng nuốt nước bọt của trẻ chưa được hoàn thiện cùng với khoảng miệng của trẻ lúc này đang còn nông dẫn đến việc nước dãi chảy ra ngoài nhiều.
Đây là dấu hiệu nhận biết dễ nhất, tuy nhiên áp dụng khi trẻ còn bé, đến khi trẻ lớn và các răng mọc đầy đủ hơn thì hiện tượng này sẽ giảm dần.
Nổi mẩn xung quanh cằm và miệng
Nước dãi chảy nhiều khiến vùng da xung quanh miệng và cằm của bé dễ bị nổi mẩn. Đây là dấu hiệu khá rõ ràng cha mẹ cần kiểm tra kỹ lưỡng để có biện pháp chăm sóc phù hợp.
Hay nhai cắn
Mầm răng nhú lên khiến hàm bị ngứa ngáy, lúc này trẻ sẽ cắn mọi thứ để làm giảm cảm giác này. Cha mẹ nên chuẩn bị đồ gặm nướu để không tổn thương đến cùng lợi cũng như đảm bảo vệ sinh cho trẻ.
Trẻ bị sốt nhẹ
Mọc răng cũng làm cho hệ miễn dịch của trẻ thay đổi dẫn đến tình trạng sốt. Cha mẹ nên thường xuyên theo dõi thân nhiệt của con để có biện pháp xử lý kịp thời. Khi trẻ sốt nhẹ cha mẹ có thể điều trị tại nhà như: chườm ấm, cho trẻ bú nhiều, thay quần áo thoáng mát. Nhưng nếu sốt cao cần đến trung tâm y tế gần nhất để kiểm tra chính xác tình trạng của trẻ.

Cách chăm sóc trẻ khi mọc răng
Những chiếc răng đầu tiên bao giờ cũng khiến trẻ đau nhất, bứt rứt và khó chịu. Vì thế, ba mẹ hãy tìm cách để xoa dịu những cơn đau của trẻ:
Ở giai đoạn mọc răng, cần chú ý giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ thật tốt: Thường xuyên lau sạch nước miếng chảy quanh miệng trẻ bằng khăn mềm. Luôn làm sạch nướu sau khi trẻ bú hoặc ăn. Dùng một miếng gạc hoặc vải mềm nhúng nước sạch quấn quanh ngón tay lau nhẹ nhàng và massage nướu. Nên cho trẻ uống nước lọc sau khi bú hoặc ăn dặm xong.
Ba mẹ không nên để trẻ tiếp xúc với những đồ chơi vuông có thành sắc cạnh bởi có thể trẻ sẽ nhai hoặc cắn, làm tổn thương đến phần lợi của trẻ. Để xoa dịu và giảm sưng lợi, ba mẹ có thể cho trẻ ăn chuối xắt lát lạnh. Khi cảm thấy dễ chịu hơn, trẻ sẽ không quấy khóc.
Ba mẹ cần lưu ý những điều sau để biết cách làm gì khi trẻ bị sốt do mọc răng: Lau người cho trẻ bằng nước ấm bởi nước nóng hay lạnh quá đều khiến cho tình trạng của trẻ tệ hơn. Nước ấm sẽ giúp cho cơ thể của trẻ thoát nhiệt, giúp giảm sốt nhanh hơn. Ba mẹ cũng cần mặc quần áo thoáng mát cho trẻ để nhiệt có thể thoát ra nhanh chóng.
Nếu trẻ bị sưng nướu to và quấy khóc nhiều, ba mẹ có thể cho trẻ uống thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ.
Khi nhận thấy những dấu hiệu con mình lên răng, ba mẹ hãy kiểm tra thật kỹ càng và có những phương pháp chăm sóc bé đúng cách.