Chế độ ăn uống
Nhiều người bị mất ngủ kinh niên vì chế độ ăn uống chưa phù hợp bởi thực phẩm và đồ uống sử dụng hàng ngày có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giấc ngủ. Đặc biệt, việc sử dụng caffeine hay các chất kích thích khác trước giờ đi ngủ khiến nguy cơ mất ngủ rất cao.
Ngoài ra, việc ăn tối quá no, ăn các loại thực phẩm khó tiêu cũng có thể làm suy giảm chất lượng giấc ngủ.
Đồng thời, việc cơ thể thiếu hụt những chất dinh dưỡng quan trọng như magie, vitamin D và omega-3,… cũng sẽ dễ rơi vào tình trạng mất ngủ
Môi trường
Môi trường ngủ ồn ào, ánh sáng mạnh, nhiệt độ không phù hợp,… đều có thể gây khó ngủ. Nếu ngủ trong một môi trường nhiều ánh sáng có thể làm giảm việc sản xuất melatonin, hormone giúp điều chỉnh giấc ngủ. Ngược lại, một môi trường yên tĩnh, tối và mát mẻ thường giúp ngủ ngon hơn.
Thay đổi hormone
Sự thay đổi về nồng độ hormone trong cơ thể chính là một trong những nguyên nhân gây ra mất ngủ kinh niên. Đơn cử như quá trình mãn kinh ở phụ nữ, sự thay đổi nồng độ hormone trong thời kỳ mang thai, thay đổi hormone trước ngày kinh,… đều có thể dẫn đến tình trạng tăng hoặc giảm hormone quá mức và gây ra tình trạng mất ngủ.
Rối loạn tâm lý
Khi sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng, nhiều người dễ rơi vào tình trạng khó ngủ, mất ngủ do căng thẳng, lo lắng. Vì vậy, những người bị rối loạn lo âu lan tỏa, trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế,… đều có nguy cơ mất ngủ.
Tuổi tác
Người cao tuổi có nguy cơ mất ngủ kinh niên cao hơn, khó ngủ hơn và cũng thường bị gián đoạn giấc ngủ hơn.